Phong trào phản kháng của những người “Áo vàng” tại Pháp một lần nữa khắc hoạ những đứt gãy trong mô hình dân chủ và nhà nước phúc lợi truyền thống phương Tây trước sự biến đổi của thế giới toàn cầu hoá.
Cuộc cách mạng “vòng xoay”
Cuối tháng 10/2018, những người “Áo vàng” đầu tiên tại Pháp tập trung lại quanh những vòng xoay giao thông tại tỉnh lộ. Những cơn giận dữ và sự lo lắng đã kết nối họ lại với nhau, nhằm chống lại một giọt nước tràn ly: kế hoạch đánh thuế vào nhiên liệu của chính phủ Pháp. Đó không hẳn là một kế hoạch sai lầm vì nó được đưa ra để đón đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng trong tương lai, khi xăng dầu trở nên cạn kiệt và huỷ hoại môi trường.
Nhưng sự cấp bách sinh thái không thay thế được sự cấp bách của đời sống xã hội. Một vài xu tăng trên giá nhiên liệu không phải là điều gì to tát, nhưng nó lại đánh sập niềm tin của những người “Áo vàng” vào hiện tại và tương lai. Với một nước như Pháp, rất ít cũng đã là rất nhiều.
Có một con số: trong bản báo cáo đưa ra đầu tháng 12/2018, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, nơi quy tụ các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, đã xếp Pháp là quốc gia vô địch về các loại thuế trong số 39 nền kinh tế thành viên của OECD. Cụ thể: các khoản thu bắt buộc (gồm thuế + đóng góp xã hội) tại Pháp trong năm 2017 ở mức 46,2% GDP, trong khi con số trung bình của OECD là 34,2%.
Sức ép thuế khoá này đè nặng lên toàn bộ xã hội và lẽ tất yếu, luôn làm tổn thương những người nghèo nhất. Nhiều năm qua, sự bất bình đẳng này tích tụ như cục tuyết lăn xuống từ trên đỉnh núi, mỗi ngày một to dần lên khi các dịch vụ công bị cắt giảm tại nông thôn và các thành phố nhỏ, sức mua ngày càng kém đi do lương không tăng mà đời sống cứ đắt đỏ lên, và cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế cũng như đời sống văn hoá bị thu hẹp một cách thảm hại. Tại rất nhiều vùng nông thôn nghèo của Pháp, đất nước có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, người lao động thực sự chỉ đang “tồn tại” chứ không phải “sống” như cách mà người Pháp vẫn tự hào về bản sắc của mình, tức là có các kỳ nghỉ, được đi xem phim và được đi ăn hàng. Vào các thập kỷ 60-80 của thế kỷ trước, một người Pháp trung lưu điển hình sẽ đưa gia đình đi ăn nhà hàng ít nhất 1 lần/tuần và đi du lịch 2 lần trong năm. Nhưng ngày nay việc này bắt đầu trở nên xa xỉ khi số người nghèo tăng lên qua năm tháng.
Trong 1 thập kỷ, từ năm 2005 đến 2015, nước Pháp có thêm 1 triệu người nghèo và 14% dân số Pháp, tương đương 8,8 triệu người, hiện sống dưới mức nghèo khổ, tức có thu nhập thấp hơn 1.026 euro/tháng. Điều đáng nói, là sự nghèo đói này không còn né tránh màu da. Không chỉ người nhập cư da màu nghèo khổ mà cả người Pháp da trắng cũng bắt đầu khó sống.
Cuộc phản kháng của những người “Áo vàng” tại Pháp hiện nay chính là bắt đầu từ những người Pháp sống ở nông thôn và các thành phố nhỏ, nơi vẫn tự hào được gọi là “la France profonde - nước Pháp sâu thẳm” với các giá trị Pháp truyền thống và ít dân nhập cư. Khác với nhiều bức xúc khác trong xã hội Pháp vài năm qua, tị nạn-nhập cư hay xung đột tôn giáo-sắc tộc… không phải là gốc rễ của vấn đề. “Áo vàng” là vấn đề của chính những người Pháp thực thụ, là sự vùng lên của một nước Pháp nông thôn, “một nước Pháp ngoại vi” bị gạt ra bên lề của những đô thị giàu có.
Đó là lí do mà trong những ngày qua tại Pháp, từ “Áo vàng” đã được gắn nhiều hơn với từ “Jacquerie”, để gợi nhớ và so sánh với phong trào nổi dậy của nông dân Pháp giữa thế kỷ 14. Sau gần 700 năm, dòng chảy lịch sử vẫn ghi nhận các quy luật bất biến của xã hội: ở đâu có sự nghèo đói và bất công xã hội, ở đó có sự phản kháng.
Dù đó có là những xã hội tưởng như đã rất phát triển và có đầy đủ các chuẩn mực về khế ước xã hội.
Những lời cảnh báo
Những gì mà phong trào “Áo vàng” tạo nên trong 2 tháng qua đang và sẽ sẽ biến đổi sâu sắc nước Pháp.
Nó đặt ra câu hỏi về năng lực tiếp tục thực thi cải cách của vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nền Cộng hoà thứ Năm và về cách mà ông Emmanuel Macron sẽ phải thay đổi ra sao việc sử dụng quyền lực của mình.
Nhưng trên hết, nó đánh thức tầng lớp tinh hoa chính trị Pháp khỏi cơn ngủ vùi gần ba thập kỷ qua trước hiện trạng đất nước. Rất nhiều trí thức, học giả, chính trị gia Pháp đang đặt ra câu hỏi trong các bài chính luận, rằng “liệu họ có biết trước nước Pháp sẽ rơi vào tình trạng này hay không?”.
Câu trả lời là “Có”. Vì đã có quá nhiều cảnh báo được các nhà sử học, các chuyên gia kinh tế, các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu chính trị… phát đi trong những năm qua tại Pháp. Năm 2003, nhà xuất bản Seuil cho in cuốn sách “Bất ổn xã hội”. 2 năm sau (2005) bạo loạn nổ ra khắp các ngoại ô tại Pháp. Các cuốn sách về chủ nghĩa cục bộ địa phương, về nước Pháp ngoại vi, về bất bình đẳng lãnh thổ, về giai cấp trung lưu trên bờ đổ vỡ… hay cuốn cách kinh điển “Tư bản trong thế kỷ 21” của Thomas Piketty - một người Pháp - … đều đã cảnh báo rất nhiều về sự gia tăng đói nghèo, về bất bình đẳng thu nhập, về các lo lắng và tức giận đang âm ỉ lớn dần nơi những người lao động bình dân.
Chỉ có điều, tất cả những cảnh báo đó đều bị giới chính trị cầm quyền phớt lờ, thậm chí là bị chế giễu như những biểu hiện của một “nước Pháp lười biếng”. Cho đến khi tất cả bùng nổ.
Thế giới cũ biến mất
Trong dòng chảy của những biến động này, nước Pháp không đơn độc hay ngoại lệ.
Trước những người “Áo vàng” tại Pháp, nước Ý đã có “Phong trào 5 sao”, với sự khởi phát tương tự dựa trên bức xúc và giận dữ của dân chúng trước đói nghèo và bất công xã hội.
Tại Anh, những người “Áo vàng” hiện diện qua lá phiếu của những người đã lựa chọn Brexit, vốn đa số là các lao động phổ thông lo lắng vì bị gạt ra bên lề của toàn cầu hoá.
Bên kia Đại Tây Dương, “Áo vàng” là những công nhân và lao động nghèo khổ sống trong dải “rust belt”, gồm những bang bờ Đông bị tiến trình phi công nghiệp hoá tàn phá, để rồi trở nên giận dữ, cực đoan và bầu ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.
Năm 2005, Thomas Friedman viết cuốn sách nổi tiếng “Thế giới phẳng”, lạc quan rằng tự do thương mại trong toàn cầu hoá sẽ đưa lại cơ hội công bằng cho tất cả. Chỉ 3 năm sau, thế giới phương Tây rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Cuộc khủng hoảng này đã bào mòn niềm tin của nhiều người vào phép màu của toàn cầu hoá và sự vững chắc của mô hình phát triển phương Tây. Họ nhận ra rằng siêu tự do thương mại có thể giết chết việc làm ở địa phương và rằng sau mỗi cuộc khủng hoảng, giới tư bản tham lam không phải trả giá cho những sai lầm còn người lao động và tầng lớp trung lưu phải chịu thêm gánh nặng thuế khoá.
Sự nổi lên của các chính trị gia và đảng phái dân tuý, cực hữu trong vài năm qua tại chính các nước phương Tây phát triển nhất, như Marine Le Pen tại Pháp, Matteo Salvini và “Phong trào 5 sao” ở Italia, AfD tại Đức, UKIP tại Anh hay Donald Trump tại Mỹ… chính là câu trả lời cho những lo lắng của người dân phương Tây về tương lai. Họ lo lắng về sự biến mất của mô hình nhà nước phúc lợi, về bất bình đẳng cơ hội, về nguy cơ bị đẩy xuống tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Và sâu xa hơn, về nguy cơ bị hạ cấp về văn hoá và chủng tộc.
Song hành trong tất cả những lo lắng đó là sự suy yếu, biến mất hoặc tồn tại một cách bất lực của những đảng phái chính trị truyền thống, mà điển hình là đảng Xã hội (PS) và “Những người cộng hoà” (LR) tại Pháp, Công đảng tại Anh, SPD tại Đức, “Dân chủ” và Forza Italia tại Ý, và cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ tại Mỹ. Những đảng phái này là kiến trúc sư và đại diện cho một thế giới cũ của phương Tây, nơi các mô hình dân chủ và nhà nước phúc lợi gặt hái thành công nhiều thập kỷ trước nhưng đang ngày càng tỏ ra mệt mỏi trước sức ép của các vấn đề toàn cầu, từ cạnh tranh thương mại, di cư, cho đến xung đột tôn giáo-văn hoá ngay trong nội tại.
“Áo vàng”, vì thế, không còn giới hạn ở một chủ đề hay một biên giới. Tại Pháp, “Áo vàng” không còn là chuyện đấu tranh chống tăng thuế mà đã phát triển thành yêu cầu của các công dân đủ mọi giai cấp về việc gia tăng các hình thức dân chủ trực tiếp để được tham gia nhiều hơn vào tiến trình xây dựng và triển khai chính sách.
“Áo vàng” cũng đã vượt biên giới Pháp để sang Bỉ, sang Ireland, sang Mỹ, sang cả Israel. Vì trong thế giới của những đổi thay nhiều bất trắc như hiện nay, có những phần của một thế giới cũ đang bị bỏ lại phía sau trong lo lắng và giận dữ, dù đó là phần của thế giới phát triển nhất./.