(TN)- Trên danh nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là đồng minh, vì từ năm 1952 đều là thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai quốc gia này lại là hàng xóm, có biên giới đất liền dài 200km và có hải phận tiếp giáp trên vịnh Aegea thuộc biển Địa Trung Hải.
Trong lịch sử Hy Lạp bị đế quốc Ôttman (Thổ Nhĩ Kỳ) thống trị kéo dài 4 thế kỷ. Hiện tại hai quốc gia láng giềng này vẫn là hai đối thủ luôn mâu thuẫn, thù địch, chủ yếu do tranh chấp chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ và tranh giành ảnh hưởng (đặc biệt là tranh chấp vùng biển chồng lấn và một số hòn đảo).
Mới đây, tàu dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ (có sự hộ tống, bảo vệ của nhiều tàu chiến) đã tiến hành hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp giữa hai nước mà phía Hy Lạp cho rằng đấy là hải phận thuộc chủ quyền mình. Vùng biển Hy Lạp mà Thổ Nhĩ Kỳ tranh chấp được đánh giá là còn có trữ lượng lớn dầu lửa chưa được thăm dò, khai thác.
Tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ với tàu chiến của Hy Lạp nơi gần khu vực giàn khoan thăm dò dầu khí. Phía Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng dọa là ai tìm cách gây hấn sẽ phải trả giá đắt, và đổ lỗi cho các nước EU không công bằng, thiên vị Hy Lạp. Nhiều nước trên thế giới cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ coi thường dư luận, hành động hung hăng, phô trương sức mạnh quân sự.
Tổng thống Pháp Macron (một thành viên NATO ) cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm chủ quyền và yêu cầu dừng các hoạt động thăm dò dầu khí. Pháp vốn là quốc gia cũng có nhiều bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, nên đã trở thành đồng minh của Hy Lạp, tìm mọi cách bênh vực nước này cũng là điều dễ hiểu.
Trước đây, Pháp đã tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận Lybia và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn, khiêu khích chiếu rada dẫn bắn vào tàu chiến của mình trong lúc đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Địa Trung Hải (chính Pháp cũng tỏ thái độ bất bình khi NATO im lặng không lên tiếng phê phán hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ). Pháp đã đưa tàu chiến và máy bay đến khu vực này để ngầm hậu thuẫn, bảo vệ Hy Lạp.
Ngày 15-8, Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng các hoạt động để tránh leo thang căng thẳng, đặc biệt là tìm mọi cách ngăn chặn xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Hầu hết các nước EU bầy tỏ sự đoàn kết với Hy Lạp và đề nghị hai nước giải quyết những bất đồng thông qua ngoại giao, đàm phán.
Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh hải và vụ đụng độ tàu quân sự, Hy Lạp đã đặt đất nước vào trong tình trạng chiến tranh, yêu cầu tất cả lực lượng quân đội thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ có trên 70 triệu dân, là một cường quốc mới nổi có tiềm lực kinh tế, quân sự rất mạnh, không ngừng bành trướng sự ảnh hưởng khu vực. Hy Lạp chỉ có 11 triệu người, những năm qua do nợ công quá cao, nền kinh tế đứng trước nguy cơ bị phá sản, đổ bể. Được sự tiếp ứng từ nguồn vốn giải cứu của thế giới, Hy Lạp bước đầu mới vượt qua khủng hoảng. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Hy Lạp vẫn tăng cường đầu tư cho quân sự, mục đích là củng cố năng lực chiến đấu, chống lại nguy cơ gây chiến, xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.Nếu so sánh tương quan về sức mạnh, tiềm lực quân sự thì hai nước chênh lệch nhau khá lớn: Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh quốc phòng xếp thứ 13 thế giới, với trên 700 nghìn quân chính quy và dự bị, trên 1 nghìn máy bay chiến đấu, gần 3 nghìn xe tăng, 149 tàu chiến. Hy Lạp chỉ có khoảng 300 nghìn quân chính quy và dự bị, trên 1 nghìn xe tăng, số lượng máy bay, tàu chiến không đáng kể…