Trước tình hình số người nhiễm COVID-19 tăng nhanh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành cách ly, điều trị tại nhà nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nghi nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với F0, có đủ điều kiện. Giải pháp này đã giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang phát sinh khó khăn trong việc quản lý, xử lý chất thải của người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà.
Theo quy định hiện hành, tất cả chất thải rắn phát sinh từ người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 đều được coi là chất thải có nguy cơ lây nhiễm, cần có biện pháp xử lý triệt để.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời việc quản lý chất thải trong quá trình điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.
Theo đó, tất cả các chất thải rắn tại nơi cách ly của người nhiễm SARS-CoV-2 đều phải được cho vào túi đựng rác riêng, xịt cồn 70 độ để khử khuẩn cả bên trong và bên ngoài. Tất cả rác thải này phải được để trong thùng đựng riêng có lót bao rác màu vàng, đậy kín nắp, sau đó chuyển đến khu vực lưu chứa tạm thời tối thiểu 1 lần/ngày để đơn vị chức năng vận chuyển theo quy định. Các địa phương phải ký kết hợp đồng với đơn vị đảm bảo năng lực xử lý rác thải y tế để bố trí thu gom, xử lý hàng ngày.
Hướng dẫn là vậy, nhưng hiện nay việc triển khai thực hiện tại các địa phương đang cho thấy lúng túng, khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ (Phú Lương), cho biết: Do xã là vùng nông thôn nên từ trước đến nay, hầu hết rác thải sinh hoạt của người dân đều được xử lý bằng các biện pháp như chôn lấp và đốt, không có người thu gom. Chính vì vậy, hiện nay các hộ có F0 điều trị tại nhà đều phải chủ động phân loại rác thải để phun khử khuẩn, sau đó mang ra vườn nhà tiêu hủy. Nếu thực hiện theo hướng dẫn của ngành chức năng thì xã không có đủ nhân lực và trang thiết bị.
Không chỉ khu vực nông thôn, hiện nay, ở thành thị, việc thực hiện quản lý chất thải tại nhà của người nhiễm COVID-19 cũng đang gặp vướng mắc.
Ông Phạm Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), cho hay: Hiện, tổ chưa có vị trí tập kết rác tạm thời và đơn vị thu gom loại chất thải có nguy cơ chứa virus SARS-CoV-2 của các F0. Chính vì vậy, tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ có người nhiễm COVID-19 cần chủ động phân loại, tập trung rác thải ở 1 góc trong nhà, sau đó tiến hành phun khử khuẩn và đốt. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn hộ dân không có vườn hay sân rộng để có thể đốt chất thải.
Theo quy định, công tác vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại tại các khu dân cư có người cách ly y tế tại nhà phải có phương tiện chuyên dụng, khép kín và cần được ưu tiên xử lý ngay trong ngày, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa có đủ nhân lực và kinh phí để đáp ứng yêu cầu đó. Hiện nay, việc xử lý rác thải nguy hại chủ yếu được giao cho trung tâm y tế các huyện, thành, thị. Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà tăng cao, việc xử lý loại rác thải này đang là “bài toán” khó.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Bình, cho biết: Trên thực tế, việc đến từng gia đình để thu gom loại chất thải này là không thể vì nhân lực không đủ. Còn nếu để thành viên gia đình mang đến điểm tập kết rác chung của xóm thì cũng không thực hiện được vì có nhà toàn bộ thành viên đều là F0, F1. Do đó, phần lớn gia đình đều tự xử lý các chất thải bằng hình thức đốt tại vườn. Ngoài ra, số F0 điều trị tại nhà tăng đã khiến lượng rác thải nguy hại tăng nhanh, dẫn dến kinh phí phải chi trả cho đơn vị xử lý cũng tăng cao…
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với hướng dẫn về các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà, chính quyền các địa phương cũng cần sớm có phương án, quy định thống nhất việc quản lý, xử lý chất thải của các F0 đảm bảo an toàn. Bên cạnh giải pháp của chính quyền, mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức trong phân loại và xử lý loại rác thải này để hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng.