Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng. Đồng thời, hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn.
Theo cử tri, hiện nay các địa phương rất quan tâm trong việc đầu tư các nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là việc lựa chọn công nghệ xử lý để đạt hiệu quả. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về công nghệ xử lý rác thải hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường để địa phương căn cứ xem xét lựa chọn thực hiện các dự án đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND các cấp lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy việc đầu tư cơ sở xử lý chất thải được ưu tiên đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo công khai, minh bạch.
Hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Trong đó giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý rác thải đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý rác thải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí đấu thầu và hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đấu thầu tập trung lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và công khai, minh bạch trong công tác quản lý rác thải tại các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 28 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã đưa ra các tiêu chí về công nghệ, về môi trường và xã hội, về kinh tế để làm căn cứ lựa chọn là đầu tư.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng; hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn; Xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tập trung xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số công nghệ xử lý phổ biến như đốt, đốt phát điện và chôn lấp; xây dựng hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Do vậy, các địa phương cần căn cứ vào các quy định nêu trên và các quy định của Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin