Dù Nghị định 45 quy định từ 31/12/2024 người dân phải phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, nhưng theo các chuyên gia nếu không làm tốt khâu chuẩn bị thì rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Trước bối cảnh lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm, trong khi nhiều bãi chôn lấp đang ngày quá tải, gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các địa phương cần sớm có lộ trình đưa chính sách (các quy định mới mang tính đột phá liên quan đến quản lý chất thải rắn) đi sâu vào cuộc sống.
Đây cũng là giải pháp cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, để hướng tới việc hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại sẽ giảm được tiền xử lý.
Rác thải lớn, ô nhiễm luôn ở mức cao
Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian qua, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.
Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức trên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp.
Đáng nói hơn, tại các điểm xử lý rác theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác.
Câu chuyện "quá tải rác" gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, xảy ra trong suốt nhiều năm qua ở xung quanh bãi rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội); bãi rác lộ thiên cao hàng chục mét Núi Voi ở phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa); bãi rác có diện tích 1.000m2 tại ấp Thèo Nèo (xã Bình Châu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu),… là minh chứng.
Do đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn - một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải từ chính mỗi người dân là rất quan trọng. Thế nhưng, theo Tổng cục Môi trường, hiện tại các chương trình phân loại rác tại nguồn ở địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ.
Trên thực tế, Nghị định số 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022 cũng đã đề cập hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Mặc dù thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ bắt đầu từ ngày 31/12/2024, nhưng theo đại diện Tổng cục Môi trường cũng như ý kiến giới chuyên gia, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, thì dù thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, không có lộ trình rõ ràng cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Cải cách mạnh mẽ, đồng bộ triển khai
Nói về vấn đề trên, chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng để khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, thì chính quyền cần cụ thể hóa được chính sách trên, làm sao để hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại sẽ giảm được tiền xử lý.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Theo ông Tùng, việc tổ chức tuyên truyền là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này chưa thực sự phổ biến rộng rãi, đâu đó còn theo phong trào chỉ được 1 thời gian. Thực tế, lâu nay đã tuyên truyền nhưng dường như cơ quan quản lý làm chưa tới.
Ngoài trách nhiệm của người dân, theo ông Tùng thì trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm. Bởi theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai; trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu mới được thu gom, vận chuyển.
Trong khi đó, nêu ra giải pháp để người dân có thể thực hành việc phân loại rác ngay từ bây giờ, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này.
Theo đại diện Tổng cục Môi trường, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành luật như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT) đã quy định cụ thể. Vấn đề quan trọng là việc thực thi cũng như đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống từ phía chính quyền các cấp địa phương.
Theo lộ trình chuyển đổi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn và lấy ý kiến của các địa phương, trên cơ sở đó ban hành để từng địa phương căn cứ vào đó làm các quy định cụ thể chi tiết của địa phương. Bởi hơn ai hết, các địa phương là người nắm thực tế rõ nhất.
Trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa. Trong đó, trọng tâm là tập trung hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc này được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bãi rác, đặc biệt là hướng tới việc biến rác thải thành tiền.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định sẽ đôn đốc các địa phương triển khai các chính sách hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.
Theo Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin