Mùa gieo hạt

16:37, 15/02/2017

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi đến Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh tận mắt chứng kiến các huấn luyện viên, vận động viên (HLV, VĐV) đang khổ luyện với những giáo trình và cọ sát thực tế để đạt được thành tích như mong đợi.

Gặp chúng tôi, ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm ví von: Làm thể thao cũng giống việc nhà nông, phải làm đất, gieo trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại thì mới được gặt hái thành quả. Thành quả của ngành Thể thao là những tấm huy chương, một sản phẩm được tạo nên bằng công sức lao động đặc biệt. Không ít VĐV bị chấn thương, và tiếp tục tập luyện trong đau đớn. Một VĐV đã chia sẻ với chúng tôi: Việc chân tay bị trầy xước, trẹo khớp, chảy máu là chuyện rất đỗi bình thường với VĐV...

 

Thực tế minh chứng, Thái Nguyên đã khẳng định được vị trí của mình trong làng thể thao Việt Nam. Gần đây nhất, năm 2016, Trung tâm có 160 VĐV tham gia thi đấu tại các giải toàn quốc, quốc tế và khu vực, đạt 241 huy chương các loại, trong đó có 60 HCV, 83 HCB, 98 HCĐ. Tại các giải thế giới, châu Á, và Đông Nam Á, VĐV của tuyển Thái Nguyên giành được 10 huy chương các loại, trong đó có 5 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Năm 2016, Thái Nguyên có 31 VĐV đạt cấp kiện tướng, 58 VĐV cấp I Quốc gia và cung cấp 16 VĐV cho đội tuyển Quốc gia.

 

Hiện trong làng thể thao Thái Nguyên có nhiều VĐV trẻ đang sung sức, trong đó có Nguyễn Thị Ngân, VĐV bộ môn đua thuyền. Chị có bề dày 7 năm thi đấu, số huy chương giành được gần 70 chiếc. Năm 2016, tham dự Cup Thế giới tại Pháp, chị giành 2 huy chương, trong đó có 1 HCV cự ly 500m C2 và 1 HCĐ cự ly 500m C4. Bà Dương Thị Mai, HLV bộ môn đua thuyền, người có 8 VĐV đạt huy chương quốc gia và quốc tế trong năm 2016 tự hào: Để đạt được thành tích cao trong thi đấu, VĐV phải biết vượt lên chính mình, không tự kiêu trước thành tích đạt được.

 

Theo ông Đoàn Văn Công, Giám đốc Trung tâm thì từ nhiều năm gần đây, trên cả 3 tuyến nghiệp dư, năng khiếu và tuyến thành tích cao, VĐV đều được huấn luyện, đào tạo bài bản, được sàng lọc kỹ trước khi tuyển chọn tham gia thi đấu. Do vậy, hầu hết các giải tuyển Thái Nguyên tham gia thi đấu đều có huy chương mang về. Còn ông Phạm Văn Phong, Hiệu Trưởng Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao tỉnh cho biết: Công tác đào tạo VĐV là cả một quá trình tìm kiếm, sàng lọc và huấn luyện để chọn ra những VĐV có khả năng đạt thành tích cao. Còn ông Nguyễn Hồng Tuyên, HLV bộ môn Cờ vua chia sẻ: Do tích cực tìm kiếm tài năng và nghiêm khắc trong huấn luyện, thể thao Thái Nguyên đã có những VĐV "vàng" khi tuổi đời còn rất trẻ. Điển hình như Nguyễn Thiên Ngân (sinh năm 2005). Khi 5 tuổi, Ngân đã giành được 4 HCV. Đặc biệt trong năm 2015, Ngân giành được 15 huy chương các loại, trong đó 8 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ. Nổi bật ở Giải Vô địch trẻ Thế giới tổ chức tại Hy Lạp, Ngân đứng thứ 30/114 VĐV lứa tuổi 10, 11. Năm 2016, Ngân giành 4 huy chương tại các giải lớn, trong đó 3 HCV, 1 HCB. Từ kết quả thi đấu, Ngân được Ban tổ chức phong danh hiệu Kiện tướng Cờ vua Đông Nam Á.

 

Chúng tôi biết, trong làng thể thao, để với tay tới tấm huy chương, các  HLV, VĐV phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức và một sự hy sinh thầm lặng. Nhưng tất cả đã vượt lên mọi nghiệt ngã và áp lực của nghề để cùng làm nên mùa huy chương.

 

Các thế hệ HLV, VĐV đã không phụ lòng người hâm mộ, xứng đáng với lời chia sẻ, động viên của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện dịp đầu xuân 2017 lên thăm Thái Nguyên đã khuyến khích: Thái Nguyên cần tiếp tục đầu tư cho một số môn thể thao mũi nhọn, phấn đấu có nhiều hơn nữa VĐV đạt đẳng cấp cao, cùng tuyển Quốc gia thi đấu giải quốc tế và các nước trong khu vực.

 

Mỗi VĐV đều có ý thức phấn đấu tập luyện và thi đấu hết mình, vì ai cũng hiểu được đầy đủ rằng: Muốn tồn tại, muốn chiến thắng, không có cách nào khác là sự tập luyện kiên cường và thi đấu hết mình cho màu cờ, sắc áo.