Tháng Giêng, mùa lễ hội, cùng vãn cảnh, du xuân, nhân dân, du khách còn được tham gia các trò hội. Sôi nổi hơn phải kể đến các môn thể thao cổ truyền như: tung còn, đánh vật, kéo co, cờ tướng; các môn thể thao hiện đại như: cầu lông, bóng đá, bóng hơi và thể dục dưỡng sinh… thu hút được đông đảo người nhập cuộc.
Được chứng kiến những cuộc thi đấu không phải vì mục đích huy chương, nhưng sôi động, hào hứng thắm tình đoàn kết, tôi biết trước mùa hội, các “vận động viên” từ phố thị đến nơi thôn dã tích cực tập luyện, hưởng ứng Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Để phong trào tập luyện thể dục - thể thao (TDTT) có chất lượng, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TDTT, kỹ năng xây dựng câu lạc bộ TDTT cho hàng nghìn lượt cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở; đồng thời cử cán bộ làm công tác TDTT đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT tổ chức. Hiện trên địa bàn của tỉnh có 1.535 câu lạc bộ TDTT cơ sở; 7 Liên đoàn thể thao; 4 câu lạc bộ thể thao cấp tỉnh, với hơn 1.700 hướng dẫn viên, cộng tác viên thể dục, thể thao hoạt động thường xuyên. Ông Lưu Công Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Từ đội ngũ cán bộ TDTT ở cơ sở được tăng cường, bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng, trình độ, nên phong trào TDTT quần chúng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh.
Từ phong trào thể dục thể thao quần chúng, cơ quan chuyên môn lựa chọn được các vận động viên xuất sắc, triệu tập huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, cử tham gia các giải đấu trong khu vực và toàn quốc. Gần đây nhất, năm 2016, Thái Nguyên có hàng trăm vận động viên tham gia thi đấu ở nhiều giải khác nhau, như Giải Vô địch trẻ; Giải Vô địch Người Khuyết tật; Giải Cầu lông, bóng bàn gia đình toàn quốc… Vận động viên Thái Nguyên giạnh được 40 huy chương các loại, trong đó có 8 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 21 Huy chương Đồng. Tham gia thi các môn TDTT tại Chương trình Du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc, VĐV của tỉnh giành được 6 giải Nhất, 8 giải Nhì, 3 giải Ba, xếp thứ Nhì toàn Đoàn. Tại Giải vô địch dưỡng sinh toàn quốc, đoàn Thái Nguyên giành 1 Huy chương Đồng. Tham gia các môn thể thao thi đấu và trò chơi biểu diễn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc, đoàn Thái Nguyên giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.
Phát huy lợi thế là trung tâm vùng Việt Bắc, và là tỉnh có phong trào TDTT quần chúng mạnh, trong năm 2016, Thái Nguyên tự tin đăng cai tổ chức 6 giải TDTT toàn quốc, gồm: Vô địch Wushu trẻ; Vật; Cầu lông trẻ; Cờ tướng trung, cao tuổi; Bóng chuyền hạng A và Khiêu vũ thể thao. Các giải diễn ra thu hút được hàng nghìn lượt vận động viên và người dân tham gia cổ vũ. Cùng thời gian này, Cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, trường học trên địa bàn tổ chức Lễ phát động phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể thao gương bác Hồ vĩ đại”; hưởng ứng ngày chạy “Olympic vì sức khỏe nhân dân”; Giải Việt dã Tiền Phong “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”; Giải Cầu lông, bóng bàn khu vực V; Giải Bóng bàn mở rộng; các môn thi đấu thể thao tại Hội khỏe Phù Đổng, Giải thể thao mừng Đảng, mừng Xuân; giải thể thao truyền thống của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đặc biệt tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Sán Dìu, cùng với các hoạt động văn hoá văn nghệ, còn có hoạt động thi đấu TDTT, tạo không khí phấn chấn, sôi nổi trong nhân dân.
Với tinh thần mỗi người tự tập luyện một môn thể thao phù hợp, các địa phương linh hoạt trong tuyên truyền vận động, khuyến khích nhân dân tham gia tập luyện TDTT, như xây dựng nhóm sở thích, gia đình thể thao; gắn phong trào TDTT với xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn cho nhân dân cùng tập luyện và thành lập CLB thể thao. Đến nay, toàn tỉnh có 185 nhà tập luyện thể thao; 16 sân vận động; hơn 1.600 sân tập luyện bóng đá phổ thông; hơn 2.600 sân bóng chuyền, cầu lông; gần 70 sân tennis; hơn 20 bể bơi đủ tiêu chuẩn. Tại xã, xóm, người dân còn sử dụng nhà hội trường đa năng, sân nhà văn hóa và cả những khu ruộng cạn sau vị gặt để tập luyện, thi đấu thể thao. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong những năm gần đây, Thái Nguyên có 35% dân số thường xuyên luyện tập TDTT; 22,5% gia đình thể thao; 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an nhân dân thường xuyên tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể. Ngành Giáo dục có 100% giáo viên TDTT đạt chuẩn và trên chuẩn. Số đạt giáo dục thể chất có chất lượng: Tiểu học từ 70 - 80%; trung học cơ sở từ 85 - 90%; trung học phổ thông 100%; trường học có thể thao ngoại khóa từ 85 - 95%.
Thông qua tập luyện hằng ngày, giúp mỗi người cải thiện việc nâng cao sức khỏe, tinh thần và lao động có hiệu quả hơn. Cũng vì thế, việc rèn luyện thể lực, tinh thần ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của đại bộ phận cán bộ, nhân dân.