Thời điểm cận Tết Nguyên đán, trái ngược với không khí sầm uất, nhộn nhịp tại các chợ ở TP. Sông Công, Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8, phường Mỏ Chè, lại vắng như… "chùa bà Đanh". Trước thực trạng này, nhiều tiểu thương đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng với mong muốn được hỗ trợ, giảm giá thuê ki-ốt.
Quang cảnh Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8, phường Mỏ Chè (TP. Sông Công). |
Chị Nguyễn Thị Hà, ở tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè, thuê 2 ki-ốt bán hàng giày dép, đồ gia dụng, tạp hóa tại Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8 từ năm 2020, với mức giá 1 triệu 420 nghìn đồng/tháng/ki-ốt. Vừa bỏ một số tiền lớn thuê 2 ki-ốt cả năm thì dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài khiến hoạt động mua bán ế ẩm. Trong 4 năm (2020-2023) kinh doanh tại đây, chị mới nộp tiền thuê ki-ốt của năm 2020 và 5 tháng của năm 2022.
Chị Hà cho biết: Chúng tôi rất muốn đóng tiền đầy đủ nhưng lực bất tòng tâm. Giá thuê ki-ốt thì cao, trong khi hoạt động mua bán lại vắng vẻ, thưa thớt. Cả ngày chợ chỉ hoạt động khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ (từ 17 đến 18 giờ) là thời điểm công nhân 3 nhà máy (Diesel Sông Công, Phụ tùng máy số 1, Meinfa) tan làm, còn trong ngày chỉ lác đác khách mua. Ngày gần Tết còn không có khách, nói gì ngày thường...
Trước tình trạng kinh doanh "ảm đạm", bà Nguyễn Thị Biên, tổ 7, phường Mỏ Chè, lo lắng: Tôi chuyên bán hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ…) nhưng năm nay, hàng khô gần như không có khách, gần Tết rồi mà hàng hóa nhập về hầu như còn nguyên. Để có thu nhập, tôi đành bán thêm thức ăn chế biến sẵn. Mấy chục năm gắn bó với chợ, mặc dù kinh doanh ế ẩm nhưng vẫn cố bám trụ bởi tôi giờ tuổi đã cao nên khó chuyển nghề mưu sinh. Chúng tôi chỉ mong được giảm tiền thuê ki-ốt, tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh để trang trải cuộc sống…
Lực lượng chức năng rà soát các ki-ốt tại Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8, phường Mỏ Chè. |
Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8, phường Mỏ Chè được TP. Sông Công đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018, với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Khu dịch vụ được thiết kế với 56 ki-ốt bán hàng, mỗi ki-ốt rộng 15-20m2. Ngoài ra, nhà đình chợ cũng có 48 ô và gần 70 ki-ốt thoáng. Tổng diện tích của toàn Khu dịch vụ tổng hợp là gần 2ha.
Đối tượng được ưu tiên xét giao và đấu giá các ki-ốt là những hộ dân di dời khỏi nhà chung cư cũ số 1 trên địa bàn phường Thắng Lợi. Cuối năm 2019, Ban Quản lý Trung tâm Thương nghiệp thành phố bắt đầu xét giao và toàn bộ 50 ki-ốt kín đã được giao đúng đối tượng.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương nghiệp thành phố Sông Công, cho biết: Với số lượng ki-ốt đã giao thì tổng số tiền thu nộp trong 4 năm (2020-2023) của các tiểu thương là 3 tỷ đồng, nhưng thực tế 4 năm qua chúng tôi chỉ thu được 750 triệu đồng. Nguyên nhân là do các hộ dân khi di dời về nơi ở mới chưa có nguồn lực; rồi ảnh hưởng dịch bệnh và chợ mở ra nhưng chưa thu hút được người dân đến giao dịch, mua bán…
Một số người dân sống lân cận, khi được hỏi vì sao không muốn vào trong chợ mua hàng, nói rằng nếu vào trong Khu dịch vụ mua hàng sẽ rất mất thời gian, nên thường tiện đâu mua đấy. Hơn nữa, trong bán kính 1-2km quanh đó có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại.
Trước thực trạng chợ được đầu tư nhiều tỷ nhưng chưa thu hút người dân đến mua, bán; các tiểu thương gặp khó, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách, các cấp, ngành chức năng cần vào cuộc, sớm có giải pháp phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin