Những năm gần đây, công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được các ngành chức năng và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định. Phần lễ trang nghiêm; phần hội sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và hiện đại tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nghi lễ xin đất, xin nước tại giếng Dội thuộc quần thể Di tích lịch sử - văn hóa đền Đuổm. |
Lễ hội vào mùa
Mùa Xuân, mùa lễ hội. Từ ngàn đời nay, lễ hội đầu Xuân được các địa phương duy trì tổ chức, trao truyền và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong khung cảnh Xuân ấm nắng, lòng người phấn chấn cùng theo về lễ hội, với tâm nguyện thiện lương “nghinh Xuân” mới và bày tỏ lòng thành với trời, đất, thần, Phật… về những điều tốt đẹp: Mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, thế giới không có chiến tranh, dịch bệnh.
Bà Lê Thị Sinh, 59 tuổi, ở tổ 6, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), cho biết: Cũng như mọi người, tôi đi lễ hội là để được tham quan, vãn cảnh, chiêm bái đình, đền, chùa và các di tích lịch sử. Hòa cùng mọi người trong sinh hoạt văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh và sinh hoạt cộng đồng…
Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm tới công tác trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử; khôi phục, bảo tồn, phát huy những giá trị di tích và di sản văn hóa phi vật thể thông qua tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đại bộ phận nhân dân. Điển hình như các lễ hội: Núi Văn - núi Võ, xã Văn Yên (Đại Từ); Lễ hội Lồng tồng, Lượn cọi (dân tộc Tày); Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương); Lễ hội đình Phương Độ (Phú Bình)… đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hầu hết các địa phương có lễ hội đã quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, giúp nhân dân, du khách thuận lợi trong việc đi lại, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, di tích, danh thắng, mua sắm và thưởng ẩm. Đặc biệt, những năm gần đây, các địa phương đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa lễ hội thông qua hệ thống loa truyền thanh, pa nô, biểu ngữ, tờ gấp và qua mạng xã hội. Qua đó, nhân dân, du khách hiểu đầy đủ hơn về lịch sử, ý nghĩa lễ hội mình đến.
Quang cảnh Lễ hội “Hương sắc trà Xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương” năm 2024. |
Thực hiện nghiêm các quy định
Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp đầu Xuân. Sở đã tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn bảo đảm đúng các quy định của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Để mùa lễ hội an toàn, có nền nếp, hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ động ban hành các văn bản về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi UBND các huyện, thành phố. Trong đó đề nghị quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội. Do vậy, các lễ hội diễn ra hằng năm trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức bài bản, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Mùa lễ hội năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương có lễ hội thành lập ban tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng, triển khai phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân, du khách như: Phòng, chống cháy nổ; an ninh trật tự; gìn giữ cảnh quan, môi trường; tổ chức hướng dẫn cho nhân dân, du khách đi lại, tham quan, giới thiệu lễ hội nếu có nhu cầu.
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội truyền thống chùa Ha (xã Nhã Lộng, Phú Bình) năm 2024. |
Ông Nghiêm Xuân Quyết, Chủ tịch UBND phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên), Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Hang Xuân Giáp Thìn 2024, cho biết: Các thành viên Ban Tổ chức đều được phân công nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm an toàn cho nhân dân, du khách đi lại thuận tiện; chủ động hướng dẫn nhân dân, du khách đến tham quan. Không để xảy ra tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức lên các hiện vật trên ban thờ; không gài tiền lẻ vào đồ lễ; không nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật và không cắm, đốt hương tùy tiện. Việc người dân dâng lễ, hóa sớ được thành viên Ban Tổ chức hướng dẫn thực hiện đúng nơi quy định.
Đến nay đã có hàng chục lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các lễ hội đều diễn ra như kịch bản do ban tổ chức lễ hội xây dựng, thống nhất thực hiện. Các địa phương có lễ hội đều lập được sơ đồ tổ chức các hoạt; có bảng tóm tắt giới thiệu lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của di tích; biển chỉ dẫn tới các khu vực trong khuôn viên di tích và khu vực tổ chức lễ hội.
Các ban quản lý lễ hội chấp hành nghiêm túc việc quản lý, thu chi theo quy định của Bộ Tài chính; không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến lễ hội như hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; các nghi lễ có dấu hiệu “tà đạo”, mê tín dị đoan hoặc bán hàng giả, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Những hiện tượng tiêu cực dư luận phản ảnh như việc một số người dân có nhà ở gần khu vực diễn ra lễ hội tranh thủ khoảng sân, vườn của gia đình để trông giữ xe máy, xe ô tô và lấy tiền công trông giữ xe cao hơn so với quy định, được địa phương chấn chỉnh kịp thời, tạo dư luận tốt trong nhân dân, du khách thập phương.
Cũng như cả nước, mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo đúng quy định của Chính phủ; đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân. Năm nay, một số địa phương có lễ hội mở rộng quy mô tổ chức, tạo thuận lợi cho nhân dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Điểm mới là một số lễ hội có thêm không gian ẩm thực; trưng bày, giới thiệu nông sản tiêu biểu của địa phương; trưng bày sinh vật cảnh; hội diễn văn nghệ quần chúng; thi trình diễn trang phục dân tộc; quảng bá, xúc tiến du lịch... Theo kế hoạch, từ ngày 13-2 đến 23/4/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì tiến hành kiểm tra ban quản lý 14 di tích có tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin