Đổi mới tư duy, tạo bứt phá

Hồng Tâm 08:40, 18/07/2024

Được xác định là trung tâm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đã và đang khẳng định vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân” kết nối, dẫn dắt phát triển kinh tế vùng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”. Với tư duy đổi mới, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các mục tiêu Nghị quyết đề ra đang dần hiện hữu...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đây là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Điềm Thụy. Ảnh: M.H
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đây là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Điềm Thụy. Ảnh: M.H

Những bước tiến dài

Trên cơ sở Nghị quyết của cả nhiệm kỳ, Thái Nguyên đã xác định 5 định hướng lớn và các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng bằng sự phát huy cao độ tinh thần đoàn kết và đổi mới, sáng tạo, có thể khẳng định, tỉnh đã vững vàng vượt “cơn gió ngược” để gặt hái những thành tựu nổi bật.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thái Nguyên đã có những bước tiến dài, khá toàn diện trên mọi mặt công tác và luôn đứng ở thứ hạng cao về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đánh giá, trong số 14 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, năm 2023, tỉnh xếp thứ nhất về 7 nhóm chỉ tiêu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, gồm: GRDP bình quân đầu người (113 triệu đồng), cao hơn trung bình trung của cả nước; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (93,7%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội (trên 67.400 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu trên địa bàn (trên 27,1 tỷ USD); tổng thu ngân sách nhà nước; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận (36%); số bác sĩ/vạn dân (17 bác sĩ). Các nhóm chỉ tiêu còn lại, như: tổng quy mô GRDP (152,6 nghìn tỷ đồng), tổng vốn đầu tư phát triển (61,3 nghìn tỷ đồng)… cũng thuộc nhóm đứng đầu trong vùng.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Đặc biệt, với kết quả đạt 20.196 tỷ đồng của năm 2023, Thái Nguyên có số thu ngân sách cao nhất từ trước tới nay, lọt vào nhóm 18 tỉnh, thành phố tự cân đối được thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của Thái Nguyên tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,03% so với cùng kỳ; các chỉ tiêu quan trọng về  giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, giá trị xuất khẩu… đều đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 886 dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 185 nghìn tỷ đồng; 219 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký hơn 11,2 tỷ USD.

Thi công thảm nhựa Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn qua xã Thành Công (TP. Phổ Yên). Ảnh: N.N
Thi công thảm nhựa Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đoạn qua xã Thành Công (TP. Phổ Yên). Ảnh: N.N

Tiền đề vững chắc để bứt phá

Xác định vai trò là hạt nhân, cực tăng trưởng của toàn vùng, Thái Nguyên đã sớm xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đều xác định vai trò đặc biệt quan trọng của Thái Nguyên trong tổng thể phát triển chung của vùng và cả nước.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên xác định tăng cường đổi mới tư duy, chỉ đạo và điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo để tạo tiền đề phát triển đột phá hơn nữa trong những năm tới. Điểm nhấn đáng chú ý là đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, mang tính kết nối liên vùng.

Theo đó, các tuyến giao thông liên vùng theo trục Bắc - Nam đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng là Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Quốc lộ 37 Bắc Giang - Thái Nguyên - Tuyên Quang; trục ngang là đường Hồ Chí Minh; trục dọc phía Tây kết nối liên vùng Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Hà Nội. Đáng chú ý là các tuyến đường liên kết, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội chạy qua địa bàn tỉnh; đường Hồ Chí Minh đoạn thị trấn Chợ Chu (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang)… sau khi hoàn thành sẽ giúp kết nối và lan tỏa các giá trị công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực và cả nước.

Bên cạnh đó, để “dọn tổ” đón những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này được minh chứng rõ nhất qua các chỉ số quan trọng của tỉnh trong năm 2023: đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố về cải cách hành chính (PAR Index), tăng 3 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 2 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; đứng thứ 2 về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); đứng thứ 2 về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều cải thiện trong thực hiện chỉ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) và công tác chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột…

Với những tiền đề vững chắc và sự chủ động, quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Thái Nguyên chắc chắn sẽ tạo được những bước đột phá mới, xứng đáng là cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời đóng góp quan trọng trong hành trình đi lên của đất nước.