Ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1029/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này được phê duyệt theo đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên tại Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 29/8/2024.
Khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên. Ảnh: N.N |
Theo đó, kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh); xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Về đầu tư công, Thái Nguyên tập trung triển khai các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông có tính kết nối vùng, liên vùng; hệ thống hạ tầng điện, cấp nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; phát triển đô thị; đầu tư cơ sở hạ tầng số, hạ tầng thông tin và truyền thông an toàn, hiện đại. Quan tâm thực hiện các dự án hạ tầng phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.
Tỉnh tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đầu tư công. Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đặc biệt tại khu vực phía Nam của tỉnh.
Thái Nguyên tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Công nghiệp điện, điện tử, chíp bán dẫn; công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, luyện kim; công nghiệp chế biến nông, lâm sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp may mặc...
Quan tâm phát triển dịch vụ - đô thị, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bưu chính viễn thông, logistics có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư vào các khu du lịch dựa trên thế mạnh về du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với lịch sử, văn hóa, tâm linh; trong đó tập trung vào Khu du lịch hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, văn hóa trà, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa...
Phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo kịch bản tăng trưởng của tỉnh 8,5% trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030 là khoảng 1.100.000 tỷ đồng, trong đó vốn của khu vực nhà nước sẽ được quyết định tại kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước; vốn ODA thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn khu vực ngoài nhà nước phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin