Bão số 3 đã đi qua được đúng một tháng, nhưng dư âm về những thiệt hại mà nó gây ra vẫn chưa thể nguôi ngoai trong mỗi chúng ta. Tỉnh Thái Nguyên trong cơn bão số 3 cũng bị ảnh hưởng không nhỏ với 8 người chết, nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình dân sinh bị ngập úng, hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính khoảng 850 tỷ đồng. Sau trận lũ lụt lịch sử này, nhiều bài học và những giải pháp căn cơ, lâu dài đã được chỉ ra.
Chiến sĩ Công an tỉnh hỗ trợ người dân phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) di chuyển khỏi vùng bị ngập úng trong đợt mưa lũ tháng 9 vừa qua. Ảnh: T.L |
Đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do báo số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn đạt được kết quả nhất định. Trong những ngày diễn ra bão lũ, UBND tỉnh đã ban hành 10 công điện, 1 thông báo và nhiều văn bản chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đá.
Công tác chỉ đạo kịp thời, sát thực tế, cộng với sự vào cuộc trách nhiệm, nhiệt tình, hiệp đồng chặt chẽ theo phương châm 4 tại chỗ của các lực lượng và nhân dân đã góp phần giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong suốt đợt bão, lũ được duy trì tốt, nhất là công tác đảm bảo an toàn, quản lý vận hành các công trình thủy lợi, đê điều ở những vị trí trọng điểm, xung yếu.
Các điểm ngập, sạt trượt, cầu tràn được kiểm tra và cảnh báo thường xuyên. Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở được xử lý kịp thời, đảm bảo đi lại thông suốt. Hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và toàn xã hội được triển khai bài bản, kịp thời, minh bạch, góp phần nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai không tránh khỏi những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, công tác thông tin dự báo, cảnh báo diễn biễn bão lũ tuy đã được quan tâm nhưng vẫn có thời điểm chưa sát với tình hình thực tế. Việc quản lý thông tin mưa lũ, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, xuất hiện thông tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng, tạo dư luận, tâm lý hoang mang cho một bộ phận người dân.
Một số đơn vị ở cơ sở thiếu quyết liệt trong di dời, chưa chủ động tích cực trong ứng phó với sự cố công trình hồ, đập, xử lý các điểm sạt lở. Đặc biệt, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu các kỹ năng ứng phó thiên tai.
Khi xảy ra ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập, hệ thống liên lạc bị gián đoạn, mất điện dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo, xử lý chính xác, kịp thời các tình huống.
Qua trận lũ lụt lịch sử lần này cho thấy, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thông suốt, cần phải làm tốt công tác dự tính, dự báo, bám sát tình hình thực tế, chủ động từ sớm, từ xa, nhất là yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác thông tin, tuyên truyền. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, khả năng xử lý tình huống khẩn cấp của các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở; trang bị kỹ năng cần thiết cho người dân để ứng phó trong mọi tình huống.
Mặt khác, việc đầu tư phát triển hạ tầng phải gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai; cần đánh giá, dự báo đầy đủ các yếu tố về địa chất, dòng chảy, tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thiên tai, cập nhật bổ sung vào phương án phòng, chống thiên tai hằng năm.
Hiện nay, để khắc phục nhanh chóng, tối đa những thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương thực hiện hỗ trợ về nhà ở, sản xuất nông nghiệp cho người dân, đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng theo đúng kế hoạch đề ra.
Đặc biệt là cho rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình và cấp độ rủi ro thiên tai; tăng cường trang bị vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập đảm bảo không bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Tổ chức đánh giá tác động, đề xuất giải pháp điều chỉnh phương án trong quy hoạch tỉnh, quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều và các công trình phòng chống thiên tai. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư trong các vùng có nguy cơ cao về thiên tai...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin