Xây dựng Trung tâm hành chính mới: Nhìn từ tỉnh Bình Dương

16:10, 15/04/2014

Trong hiện tại và tương lai, việc di chuyển, xây dựng trung tâm hành chính mới là điều cần thiết. Để thực hiện nhiệm vụ này, Thái Nguyên đã và đang có những bước chuẩn bị khá chu đáo. Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có những tìm hiểu, khảo sát và học tập kinh nghiệm từ tỉnh Bình Dương. Đây là địa phương vừa xây dựng trung tâm hành chính mới (T.P Bình Dương) hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Đồng thuận và quyết tâm

 

Cách đây 20 năm, Bình Dương là một tỉnh nông nghiệp chiếm trên 90% GDP, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… Quyết tâm thoát khỏi bức tranh kinh tế nông nghiệp, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp - dịch vụ. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Bình Dương  phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 62% - 34,2% - 3,8%. GDP bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng. Thu ngân sách của Bình Dương bình quân mỗi năm đạt trên 31 nghìn tỷ đồng… Cũng từ sự phát triển đó, T.P Thủ Dầu Một là trung tâm hành chính cũ của Bình Dương đã trở nên ngột ngạt, cần phải có trung tâm hành chính mới rộng rãi, hiện đại hơn. Với sự đồng thuận và quyết tâm cao độ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau khoảng 5 năm trung tâm hành chính mới của tỉnh Bình Dương đã được hoàn thiện.

 

Được biết, trước khi quyết định xây dựng trung tâm hành chính mới, Bình Dương đã nhiều lần lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân, các ngành, địa phương, thông qua HĐND, bàn bạc trong cấp ủy, trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy… trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cuối cùng. T.P mới Bình Dương được quy hoạch 1.000ha nằm trong tổng thể Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh rộng hơn 4.100ha. Trong tương lai, T.P mới Bình Dương sẽ trở thành đô thị trung tâm của tỉnh Bình Dương với 125.000 dân định cư và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Đến nay, một số công trình “tạo lực” như Đại học Quốc tế miền Đông, nhà ở an sinh xã hội, khu công viên... đã được hoàn thành. Trong năm nay, tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với nhà đầu tư Nhật Bản mở một tuyến xe buýt giữa thành phố mới và T.P Thủ Dầu Một. Ngoài ra, để mở rộng tính kết nối đối với những đô thị khác, Bình Dương cũng có kế hoạch xây dựng một tuyến tàu điện ngầm dọc đường Mỹ Phước - Tân Vạn (kết nối với tuyến metro số 1 của TP.HCM tại Suối Tiên) và làm một số cầu, đường khác nối với Đồng Nai, Bình Phước…

 

Không dùng tiền ngân sách

 

Để xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh rộng hơn 4.100ha, dự toán nguồn kinh phí lên tới khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó tòa nhà trung tâm hành chính cao 23 tầng có kinh phí đầu tư 1.400 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, khó có thể dùng ngân sách để đầu tư xây dựng và nếu có dùng ngân sách thì thời gian xây dựng sẽ kéo dài… Giải quyết bài toán này, Bình Dương đã huy động “mạnh thường quân” là Tổng Công ty Becamex IDC của tỉnh đứng ra thi công. Becamex IDC là công ty TNHH Một thành viên của Bình Dương chuyên đầu tư và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, đô thị và hạ tầng giao thông. Việc không dùng tiền ngân sách để xây dựng trung tâm hành chính được dư luận đánh giá rất cao trong việc xã hội hóa của Bình Dương.

 

Cách làm này của tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao tại lễ khánh thành tòa nhà chính trị - hành chính tập trung của tỉnh vào ngày 20-2 vừa qua. Thủ tướng cho rằng các địa phương khác khi xây dựng trung tâm hành chính cũng nên học cách làm của Bình Dương là không sử dụng vốn ngân sách mà huy động nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, sau đó hoán đổi các trụ sở cũ để thu hồi vốn. Thủ tướng cũng lưu ý Bình Dương và các địa phương song song với việc xây dựng trung tâm hành chính phải kết hợp cải thiện bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính thân thiện và mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

 

Bài học nào cho ta?

 

Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Quả là có đi mới thấy nhiều điều mới mẻ, nhiều điều hay và cái gì cũng muốn vận vào mình… Trong hành trình này, Đoàn chúng tôi có cảm nhận rõ nét về một Bình Dương đang ngày càng khang trang, hiện đại và chuyên nghiệp. Trung tâm hành chính mới có diện tích trên 4.100ha đều được giải phóng mặt bằng sạch sẽ và được xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện lưới, hệ thống cấp thoát nước, viễn thông… đầy đủ và hiện đại. Bên trong tòa nhà trung tâm hành chính nơi làm việc tập trung của gần 60 cơ quan, đơn vị khối Đảng, đoàn thể chính trị, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh… được vận hành một cách nhịp nhàng, góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.

 

Vậy, việc xây dựng trung tâm hành chính mới ở Bình Dương có đem lại kinh nghiệm và bài học nào để có thể vận dụng vào điều kiện của tỉnh ta? Câu hỏi này chắc hẳn những người có trách nhiệm sẽ suy nghĩ, tìm hiểu, tham mưu đề vận dụng một cách phù hợp với tình hình thực tế địa phương hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Viết Thuần cho biết: “Di chuyển, xây dựng trung tâm hành chính đối với Thái Nguyên hoàn toàn làm được. Vấn đề quan trọng nhất là phải có sự quyết tâm cao độ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ này. Cách làm mỗi nơi một khác, những gì tìm hiểu, học tập được ở Bình Dương hoặc một số địa phương khác đều có giá trị và chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn tham mưu, tiếp thu những tư vấn từ bên ngoài… tìm ra phương án tối ưu nhất để bàn bạc và thống nhất ở cấp cao hơn…”.