Các tỉnh phải đánh giá hiệu quả các trung tâm cai nghiện

15:07, 22/01/2015

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức sáng 22-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh trong cả nước phải làm việc trực tiếp với các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung trên địa bàn để từ đó đánh giá chính xác hiệu quả công tác cai nghiện tập trung.

Trên cơ sở đánh giá này, các tỉnh phải lên kế hoạch tập trung chuyển đổi hình thức sang cai nghiện theo hướng tự nguyện, thúc đẩy xã hội hóa trong công tác cai nghiện ma túy.

 

Phó Thủ tướng cho rằng, các tỉnh cần nhìn thẳng vào sự thật về hiệu quả của các trung tâm cai nghiện. Hiện, ngân sách Nhà nước đang chi trả mức 10 triệu đồng/năm cho mỗi người cai nghiện tập trung tại các trung tâm cai nghiện cộng với khoảng 10 triệu đồng/năm do người cai nghiện phải đóng góp là số tiền rất lớn trong khi hiệu quả cai nghiện đạt rất thấp. Chính vì thế, các địa phương phải xem xét phương án cai nghiện tự nguyện, xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy đồng thời mở rộng điều trị thay thế các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng methadone. Liên quan đến công tác đào tạo nghề, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐTBXH, các tỉnh trong cả nước cần đánh giá lại chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở công lập và tư nhân để từ đó đưa ra biện pháp sắp xếp lại hệ thống dạy nghề khoa học và hiệu quả nhất. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả mà toàn ngành LĐTBXH đã đạt được trong năm 2015 và đặc biệt là kết quả Tổng rà soát người có công năm 2014-2014.

 

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH tại Hội nghị, năm 2014, cả nước giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013. Về lĩnh vực dạy nghề, cả nước đã tuyển mới dạy nghề khoảng gần 1,9 triệu người, đạt 106,6% kế hoạch, tăng 14,3 % so với năm 2013, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49%; mạng lưới cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng xã hội hoá, gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp. Tính đến nay, cả nước có gần 1,5 nghìn cơ sở dạy nghề, gồm: 170 trường cao đẳng nghề, 307 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 5,8-6% (giảm 1,8-2% so với cuối năm 2013); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%, từ 38,3% năm 2013 xuống còn 33,2% cuối năm 2014. Trong năm, cả nước thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho gần 2,7 triệu đối tượng tại cộng đồng với tổng kinh phí khoảng 9.000 tỷ đồng; hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được tăng cường, hiện đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc trên 41 nghìn đối tượng...

 

Năm 2015, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước từ 1,7 - 2%; đạt tỷ lệ 50% lao động qua đào tạo; tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công; thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho trên 2,7 triệu người thuộc đối tượng xã hội tại cộng đồng và trên 41 nghìn người nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội...

 

Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 được Bộ LĐTBXH tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.