Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập và 3 bệnh viện y học cổ truyền ngoài công lập; 92,7% các bệnh viện y học hiện đại có khoa, tổ y học cổ truyển (tăng 2,7% so với năm 2015); 84,8% các trạm y tế có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (tăng 10,5% so với năm 2015).
Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền so với tổng khám chữa bệnh chung của từng tuyến đã có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên chưa chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lượt khám chữa bệnh chung, tỷ lệ lượt khám bệnh bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp với y học hiện đại trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung đạt 4,1% ở tuyến trung ương, 11,7% ở tuyến tỉnh, 13,4% ở tuyến huyện và 28,5% ở tuyến xã.
Nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư xây mới nâng cấp bệnh viện y học cổ truyền như Hà Nội, Ninh Bình, Bình Thuận, Bình Định, Tây Ninh... Chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại đã từng bước được nâng cao, thể hiện ở trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc y học cổ truyền. Hiện nay, ngành đang từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện y học cổ truyền; các quy trình kỹ thuật từng bước được chuẩn hóa; ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn được đẩy mạnh.
Công tác quản lý hành nghề, quản lý quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Chất lượng dược liệu cổ truyền ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại có một số khởi sắc nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ nghiên cứu còn chậm, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng chưa cao.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại so với tổng số người bệnh được khám, chữa bệnh; đáp ứng đủ dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu thiết yếu và chủ yếu đạt chất lượng theo quy định cho các cơ sở khám, chữa bệnh bằng Y dược cổ truyền.
Bên cạnh tăng cường phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan và cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra chất lượng dược liệu trên thị trường và giám sát các hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở sản xuất dược liệu và thuốc đông y; ngành tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu và sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Đồng thời triển khai hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về dược liệu tại một số tỉnh, thành phố.
Ngành tập trung hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về Y dược cổ truyền từ Trung ương đến địa phương, phấn đấu 100% sở y tế có bộ phận chuyên trách về y dược cổ truyền; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nhân lực y dược cổ truyền từ trung ương đến địa phương.../.