Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt 30 năm qua, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân, hai nước đã đạt được những bước phát triển vượt bậc. Trong tổng thể mối quan hệ giữa hai nước, Thái Nguyên tự hào là một trong những điểm sáng góp phần tạo nên sự phát triển đó.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (tháng 9-2021). |
Từ xa xưa, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Tiếp nối dòng lịch sử đó, cách đây tròn 30 năm, ngày 22/12/1992, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc và sau này phát triển thành quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” và thống nhất nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện" vào chiều qua (5-12).
Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương đã đạt được những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, đứng thứ hai về viện trợ ODA và đứng thứ ba về cán cân thương mại. Ngược lại, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN...
Samsung đã dành tặng tỉnh Thái Nguyên hàng chục tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai... |
Trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, năm 2005, tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) và tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác hữu nghị lần đầu tiên. Đến năm 2019, hai bên tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng theo nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Theo đó, Chính quyền quận Cheongdo ký kết hợp tác với UBND huyện Định Hoá vào năm 2014; UBND TP. Sông Công và Chính quyền thành phố Mungyeong ký kết hợp tác vào năm 2018... Và có 3 địa phương của Thái Nguyên đang tích cực triển khai mở rộng quan hệ hợp tác phía Gyeongsangbuk (gồm: huyện Phú Lương và huyện Gunwi, TP. Thái Nguyên và huyện Yeongyang; TP. Phổ Yên và huyện Chilgok).
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. |
Một trong những biểu tượng của hoạt động hợp tác, thể hiện mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Gyeongsangbuk là phong trào Làng Mới (Saemaul Undong) tại một số địa phương của tỉnh như: Định Hóa, Phú Lương, Sông Công, Đại Từ. Những ngôi làng được xây bởi tình hữu nghị của hai quốc gia đã tạo nên giá trị mới của nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, định hình bức tranh nông thôn có điểm tương đồng trong phát triển nông thôn của khu vực và quốc tế.
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Thái Nguyên đạt 8,59%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 932 nghìn tỷ đồng; tổng kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt ước đạt trên 32 tỷ USD. Trong đó có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc. |
Tăng cường hợp tác kinh tế, nâng tầm mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Nguyên và Hàn Quốc cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đối ngoại của tỉnh ta thời gian qua. Với định hướng đó, những năm qua, Thái Nguyên đã trở thành một trong những điểm sáng hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc.
Một trong những sự hợp tác điển hình và hiệu quả trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế là đầu tư cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên vào năm 2013. Các nhà máy của Samsung đi vào hoạt động đã tạo nên bước chuyển mang tính đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, gia tăng giá trị xuất khẩu cũng như chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Tính đến đầu năm 2022, tổng mức đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên lên đến gần 7,3 tỷ USD. Trong ảnh: Nhà máy Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên). |
Sự hiện diện và phát triển của Samsung tại Thái Nguyên là khởi đầu cho làn sóng thu hút các nhà đầu tư nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nên dòng vốn FDI lớn chưa từng có vào tỉnh. Trong đó, có sự hiện diện của 111 dự án tới từ Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.698,9 triệu USD, trải dài trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Trong đó các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 82,4% về số dự án và chiếm 99% tổng vốn đầu tư đăng ký. Có thể kể đến các điểm sáng như: Tập đoàn Dongwha, Jukwang, KET Vina, RFTech, Samju, Dongsung ... và một số doanh nghiệp đang nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư khác.
"Coi thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh" - quan điểm này đã giúp Thái Nguyên trở thành điểm đến đầu tư quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc tại Việt Nam. Đến nay, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc đều đang hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100.000 người lao động (chiếm 94,5% tổng số lao động trong các doanh nghiệp FDI của Thái Nguyên), góp phần tạo dựng các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị tăng cao. Làn sóng thu hút đầu tư FDI đã đưa Thái Nguyên trở thành một trong những "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Từ năm 2019 đến nay, thông qua Dự án Ngôi nhà hạnh phúc (Happy House), Samsung đã hỗ trợ 1,92 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 73 người lao động có hoàn cảnh khó khăn. |
Cùng với các hoạt động ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, những chương trình, dự án hợp tác, viện trợ nhân dân của Hàn Quốc được triển khai tại nhiều địa phương của Thái Nguyên. Qua đó, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Thái Nguyên và Hàn Quốc. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 khoản viện trợ do các tổ chức phi Chính phủ Hàn Quốc tài trợ còn hiệu lực, với tổng ngân sách cam kết viện trợ gần 180 tỷ đồng.
Mỗi biên bản thỏa thuận, hợp đồng được ký kết; mỗi công trình thiết chế văn hóa được xây dựng; mỗi chương trình hợp tác được triển khai chính là những “đại sứ” hữu nghị vun đắp, gắn kết mối quan hệ quan hệ hợp tác chiến lược hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và tỉnh Thái Nguyên - Hàn Quốc nói riêng ngày càng bền chặt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin