Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV (khai mạc sáng nay, 7-12) sẽ xem xét, thảo luận 47 báo cáo, tờ trình do UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình; dự kiến thông qua 31 dự thảo nghị quyết. Báo Thái Nguyên lược ghi nội dung một số báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được cử tri quan tâm, dự kiến thông qua tại Kỳ họp này.
Việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án Tuyến đường liên kết vùng thêm 423 tỷ đồng (một trong những nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp) là để đảm bảo đủ kinh phí thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. |
Giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu năm 2023
Năm 2022, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chỉ tiêu trong năm của tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong tăng trưởng, như: Áp lực lạm phát gia tăng; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ở mức cao nhất, một số nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tại tờ trình là: Tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình mới; thực hiện tốt các nội dung của Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Thêm 423 tỷ đồng đầu tư Dự án Tuyến đường liên kết vùng
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (Tuyến đường liên kết vùng) từ 3.781 tỷ đồng lên 4.204 tỷ đồng (tăng 423 tỷ đồng). Nguồn vốn tăng thêm chủ yếu từ ngân sách tỉnh đối ứng 417,95 tỷ đồng; còn lại từ ngân sách Trung ương hỗ trợ do cấp tỉnh quản lý 5,05 tỷ đồng.
Dự án Tuyến đường liên kết vùng được khởi công ngày 12-5-2022 với tổng chiều dài 42,55km, đi qua 11 xã, phường, thị trấn của TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ.
Do phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, trải dài; khối lượng và số hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn (khoảng 3.000 hộ dân) nên khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cơ quan chuyên môn chưa thống kê, kiểm đếm chi tiết công trình, tài sản trên đất. Sau khi Dự án được phê duyệt, trong quá trình triển khai thống kê, kiểm đếm chi tiết mới xác định chính xác giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tăng khối lượng bồi thường.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xóa mù chữ
Hiện, toàn tỉnh có 5.705 người mù chữ (từ 15-60 tuổi). Trong đó, người mù chữ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là 5.698 người. Trước yêu cầu xóa mù chữ cũng như đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Kỳ họp lần này sẽ thảo luận, xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và mức chi hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến, mức chi hỗ trợ là 500 nghìn đồng/người/chương trình học; tiền công của tình nguyện viên tham gia giảng dạy là 100 nghìn đồng/tiết dạy; chi cho các lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ban đêm, gồm: Hỗ trợ thắp sáng 150 nghìn đồng/lớp/tháng; mua sổ sách theo dõi quá trình học tập 50 nghìn đồng/lớp/kỳ học…
Tăng cường phòng, chống tham nhũng
Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, so với cùng kỳ năm trước, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của tỉnh có những chuyển biến tích cực trên các phương diện nhận thức, hành động và xử lý.
Trong năm, cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố 15 vụ/19 bị can, thu hồi trên 890 triệu đồng tài sản tham nhũng; tăng 10 vụ, 11 bị can, trên 440 triệu đồng so với năm 2021. Tuy nhiên, thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022 mới chiếm trên 40% tổng số tiền, tài sản tham nhũng, thất thoát phát hiện được.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và những năm tiếp theo đã được đề ra, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2023, toàn tỉnh có hơn 1.900 biên chế công chức hành chính
Theo tờ trình về việc giao biên chế công chức hành chính và biên chế sự nghiệp năm 2023 của tỉnh, dự kiến năm 2023, toàn tỉnh có tổng số 1.911 biên chế công chức hành chính, giảm 25 biên chế so với số đã giao của năm 2022; 24.653 biên chế sự nghiệp, tăng 628 biên chế so với chỉ tiêu giao năm 2022 (gồm 19.473 biên chế sự nghiệp giáo dục, 3.361 biên chế sự nghiệp y tế, 441 biên chế sự nghiệp văn hoá, thông tin - thể thao và 1.378 biên chế sự nghiệp khác). Bên cạnh đó, còn có 73 biên chế làm việc tại các hội đặc thù.
Theo quyết định của Ban Tổ chức Trung ương, trong giai đoạn 2022-2026, tỉnh Thái Nguyên dự kiến phải cân đối giảm 97 biên chế công chức hành chính và 2.633 biên chế sự nghiệp. Trên cơ sở chỉ tiêu giao, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh đã tích cực rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Phân định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, UBND tỉnh đã xây dựng Tờ trình dự thảo nghị quyết quy định phân định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đây là văn bản thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương. Ban hành cùng nghị quyết là quy định đối tượng áp dụng gồm các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường. Tại quy định có nêu cụ thể hoạt động bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên; hoạt động bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ chi đầu tư từ ngân sách của các tỉnh, huyện và xã.
Hỗ trợ người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại địa phương
Tại Kỳ họp, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là 500.000 đồng/người/tháng (tương đương 34% mức lương cơ sở hiện hành).
Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có 687 người phải áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương cần có người trực tiếp giúp đỡ. Người được phân công trực tiếp giúp đỡ là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em hoặc người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.
Chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm động viên, khích lệ tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của những người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin