Báo cáo mới nhất từ Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn những năm gần đây đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý, sử dụng đất công; quản lý, sử dụng đất tại các khu dân cư, khu đô thị…
Hoạt động khai thác cát, sỏi và đất san lấp trên địa bàn TP. Sông Công thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Ảnh TL |
Thực tế chứng minh, từ năm 2020 trở về trước chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa tính toán kỹ những phát sinh về nhu cầu sử dụng đất cấp huyện nên phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Tình trạng dự án phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung diện tích, cơ cấu các loại đất so với quyết định phê duyệt lần đầu còn nhiều. Đặc biệt, số lượng dự án đã được HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa được thực hiện còn phổ biến.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2019-2021, còn tới trên 1.000 dự án, công trình với diện tích hơn 9.500ha thuộc danh mục dự án thu hồi đất nhưng chưa thực hiện.
Cơ quan giám sát cũng chỉ rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của một số địa phương, đơn vị trong tỉnh chưa cao; công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thời điểm chưa chặt chẽ. Một số địa phương ban hành quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án có quy mô sử dụng đất lớn hơn diện tích đất đã được HĐND tỉnh thông qua.
Vẫn còn trường hợp cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có trong kế hoạch, hoặc chuyển diện tích lớn hơn so với kế hoạch và không phù hợp với quy hoạch. Tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tự ý san lấp, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nhưng chính quyền cơ sở không phát hiện kịp thời để xử lý…
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, kéo dài. Không ít dự án chưa xây xong khu tái định cư, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng đã triển khai thực hiện. Tiến độ một số dự án còn chậm so với yêu cầu trong chứng nhận và quyết định đầu tư. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa được giao đất nhưng đã triển khai thực hiện dự án.
Việc xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường của các địa phương còn chậm, đến nay vẫn có tới 7 địa phương chưa hoàn thành xây dựng phương án với diện tích trên 8.000ha. Việc quản lý quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu dân cư chưa chặt chẽ; một số dự án phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần, ảnh hưởng đến tính đồng bộ, tổng thể của dự án. Điều đáng nói là còn tình trạng chậm quyết toán các dự án khu đô thị, dân cư.
Đó là thực trạng trước năm 2020, còn hiện nay, để khắc phục, tỉnh đang tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện nghiêm việc tái định cư trước khi thu hồi đất đối với các dự án phải bố trí tái định cư theo quy định; kịp thời phê duyệt và công khai giá đất, đơn giá cho thuê đất.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai. Tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra, kiểm toán của cấp trên…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin