Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Tân Phú 1, 2

Hoàng Cường 09:08, 10/12/2022

Dự án (DA) Cụm công nghiệp (CCN) Tân Phú 1 và Tân Phú 2 triển khai trên địa bàn hai phường Đông Cao và Tân Phú (TP. Phổ Yên) do Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, có quy mô 131ha. Theo kế hoạch, phần diện tích đất nông nghiệp (chiếm trên 90% trong tổng diện tích thực hiện DA) phải hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2022, nhưng đến nay mới đạt trên 66ha. Nguyên nhân là do vướng mắc trong việc phê duyệt phương án bồi thường.

Hộ ông Ngô Văn Hiền (người bên trái), ở tổ dân phố Đông, phường Đông Cao bị thu hồi đất phục vụ DA đang có hơn 1.000m2 đất sử dụng ổn định, lâu dài nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ.
Hộ ông Ngô Văn Hiền (người bên trái), ở tổ dân phố Đông, phường Đông Cao, bị thu hồi đất phục vụ DA, đang có hơn 1.000m2 đất sử dụng ổn định, lâu dài nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ.

Ngay sau khi DA được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền TP. Phổ Yên đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội hai phường Đông Cao, Tân Phú vận động người dân đồng thuận thực hiện DA; điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân. Đến nay, thành phố đã thực hiện kê khai, kiểm đếm khoảng 106ha diện tích đất nông nghiệp và trên 1.270 ngôi mộ trong phạm vi thực hiện DA.

Tuy nhiên, đến nay, địa phương mới chỉ phê duyệt phương án bồi thường hơn 66ha, với tổng kinh phí trên 240 tỷ đồng; đồng thời, chi trả khoảng 200 tỷ đồng tiền đất nông nghiệp và phần mộ cho nhân dân.

Nguyên nhân là do nhiều hộ dân chưa nhất trí với phương án đền bù bởi chênh lệch diện tích đất giữa đo đạc thực tế với diện tích theo bản đồ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Tại phường Đông Cao có hàng chục hộ dân đang trong tình trạng này. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Được, ở tổ dân phố Tân Thành. Theo GCNQSDĐ, gia đình được cấp 380m2 đất nhưng khi đo thì bị thiếu 30m2. Vì thế, ông Được đang đề nghị các cấp chính quyền địa phương đo lại để chi trả đền bù theo diện tích trong GCNQSDĐ.

Ngoài ra, trên 300 hộ dân tại phường Đông Cao có diện tích đất sử dụng nhưng chưa được ghi nhận trong GCNQSDĐ. Những vướng mắc trên cũng xảy ra tại phường Tân Phú. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, thông tin: Triển khai thực hiện DA, phường Tân Phú có trên 50ha diện tích đất thuộc diện phải thu hồi. Đến nay, 70% diện tích đã được thống kê, kiểm đếm nhưng mới có hơn 50% trong số này được phê duyệt phương án đền bù, do vướng mắc về chênh lệch diện tích đất của các hộ dân

Ngoài ra, DA CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 còn vướng mắc trong phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, do hồ sơ, giấy tờ về quyền sử dụng đất của các hộ dân chưa được đầy đủ, bảo đảm. Đó là những trường hợp người dân nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất nhưng chưa làm các thủ tục theo quy định. Chỉ tính riêng tại phường Đông Cao, hiện có trên 30 hộ dân đang phải hoàn thiện hồ sơ đất về tặng cho, khai nhận và phân chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất để làm cơ sở thực hiện phương án đền bù.

Lý giải về tình trạng này, theo ông Vũ Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cao: Nguyên nhân có sự chênh lệch giữa diện tích đất đo đạc thực tế với diện tích trong bản đồ địa chính, GCNQSDĐ là do mất mốc giới nên nhiều hộ dân giáp ranh lấn chiếm trong quá trình sử dụng; một số hộ có đất khai hoang nhưng chưa làm thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất. Còn đối với các trường hợp người dân đang sử dụng đất nhưng giấy tờ mang tên người khác thì phải tiến hành làm các thủ tục khai nhận di sản, hồ sơ tặng cho nhưng vướng mắc hiện nay là nhiều thành viên có liên quan đang không cư trú tại địa phương nên việc giải quyết bị kéo dài.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Hoàng Ngọc Huân, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Phổ Yên, cho biết: Với những hộ dân có diện tích đất đo đạc chênh lệch so với giấy tờ pháp lý mà liên quan đến các hộ giáp ranh do lấn chiếm trong quá trình sử dụng, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, phòng, ban chuyên môn xác minh diện tích đất giữa các hộ. Trường hợp hộ dân có đất vỡ hoang trong quá trình sử dụng nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ thì đề nghị chính quyền địa phương tổ chức họp tổ dân phố để lấy phiếu ý kiến của cộng đồng dân cư xác minh nguồn gốc sử dụng đất; trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ điều chỉnh phương án đền bù phù hợp.

Đối với những hộ dân có đất sử dụng nhưng giấy tờ đứng tên người khác, Trung tâm phối hợp với chính quyền hai phường hướng dẫn chủ hộ hoàn thiện thủ tục hồ sơ, tạo điều kiện về thời gian giải quyết nhanh chóng, thuận tiện để bảo đảm chi trả tiền đền bù đúng đối tượng và tránh phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện về sau.