Thảo luận, kiến nghị nhiều vấn đề dư luận quan tâm

Nhóm P.V 20:05, 07/12/2022

Trong phiên thảo luận tổ chiều 7-12, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh và ĐB khách mời đều đánh giá cao chất lượng công tác chuẩn bị nội dung các báo cáo, tờ trình tại Kỳ họp lần này. Bày tỏ phấn khởi về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 của tỉnh, song nhiều ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 ở mức cao nhất, giải quyết dứt điểm các vấn đề cử tri quan tâm.

Tổ thảo luận số 1.
Tổ thảo luận số 1.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

13/14 chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch là kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH của tỉnh năm 2022. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong tăng trưởng, như: Áp lực lạm phát gia tăng; tăng trưởng và quy mô kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 ở mức cao nhất, các ĐB cho rằng, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN).

ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ Phổ Yên) nêu: Thời gian qua, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi vay vốn phát triển sản xuất, nhất là việc bị giới hạn hạn mức tín dụng; giá xăng dầu, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất tăng… Thậm chí, có những DN càng làm nhiều càng thua lỗ.

Tương tự, ĐB Phạm Thái Hanh (Tổ Định Hóa) phản ánh thực trạng: nhiều DN trên địa bàn tỉnh phải cho công nhân làm việc cầm chừng, cắt giảm giờ làm việc, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Đề nghị trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực xã hội, ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) ý kiến: Năm 2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 95%. Năm 2022, chúng ta cũng đặt mục tiêu này nhưng không đạt. Chính vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với những trường hợp khó khăn như hộ nghèo, người cao tuổi, trường hợp neo đơn.

Nêu thực trạng hiện nay, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, ĐB Phạm Việt Dũng (Tổ TP.Thái Nguyên) đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý các DN nợ đọng bảo hiểm xã hội, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Quan tâm giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời, thỏa đáng là một trong những nội dung quan trọng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Ngô Thế Hoàn (Tổ TP.Thái Nguyên) nêu: Hầu hết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có việc còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt; một số nội dung giải quyết kết quả chưa cụ thể, cử tri và đại biểu HĐND tiếp tục có ý kiến. Do vậy, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri…

Ngoài ra, một số ĐB cũng nêu các kiến nghị cụ thể. ĐB Ma Công Trình (Tổ Định Hóa) nêu: Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đang chậm, đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.

Đại biểu thảo luận tại tổ.
Đại biểu thảo luận tại tổ.

Vấn đề thiếu biên chế

Theo quyết định của Ban Tổ chức Trung ương, trong giai đoạn 2022-2026, tỉnh Thái Nguyên dự kiến phải cân đối giảm 97 biên chế công chức hành chính và 2.633 biên chế sự nghiệp. ĐB Trần Văn Khương (Tổ Võ Nhai) nêu: Nhu cầu của tỉnh cần khoảng 4.000 biên chế sự nghiệp giáo dục nhưng Trung ương giao trong lần này chỉ hơn 1.100 biên chế, nên việc phân bổ hết sức khó khăn.

Còn ĐB Hà Thị Bích Hồng (Tổ Võ Nhai) cho hay: Tính đến năm 2025, số lượng biên chế được giao thêm của Võ Nhai còn thấp hơn số bị yêu cầu tinh giản. Các trường học phải giải quyết bằng cách hợp đồng với giáo viên, nhưng chế độ hợp đồng của ngành Giáo dục so với các ngành khác chưa đủ sức hấp dẫn.

ĐB Phạm Quang Linh (Tổ Đồng Hỷ) cũng đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn, bởi lẽ huyện Đồng Hỷ được giao 115 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ, thiếu rất nhiều. Việc hợp đồng sự nghiệp giáo dục, hợp đồng định mức theo nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, một số trường phù hợp nhưng một số trường không đảm bảo hỗ trợ giáo viên hợp đồng. Đề nghị HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn.

Giải quyết dứt điểm việc giao đất nông, lâm trường

ĐB Nguyễn Mạnh Hà (Tổ Đại Từ) đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, giải quyết vướng mắc trong việc nhận, giao đất nông, lâm trường tại các huyện. Điều này cũng góp phần tăng nguồn thu cho tỉnh, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

ĐB Nịnh Văn Hào (Tổ Võ Nhai) kiến nghị: Việc giao đất lâm nghiệp có nguồn gốc lâm trường cũ về các địa phương quản lý đã được thực hiện khá lâu. Huyện đã trình nhiều phương án, song chưa được giải quyết dứt điểm. Các phương án sử dụng chưa được phê duyệt. Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

ĐB Phạm Quang Linh (Tổ Đồng Hỷ) thông tin: Đất lâm nghiệp có nguồn gốc lâm trường cũ của huyện Đồng Hỷ có hơn 3.000ha. Huyện đang thực hiện cấp cho người dân nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc, do vậy, đề nghị các sở ban ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ Đồng Hỷ cũng như các địa phương khác thực hiện.

Ngoài ra, một số ĐB đề nghị tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, quản lý xây dựng; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án; có giải pháp cụ thể để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; giải quyết những vướng mắc trong điều kiện thi hành án dân sự nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự…