Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới

Ngọc Ánh 09:25, 14/04/2023

Những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của khối KTTT và HTX góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương.

Các thành viên HTX chè Yên Từ, ở xã Yên Lãng (Đại Từ) thu hái chè.
Các thành viên HTX chè Yên Từ, ở xã Yên Lãng (Đại Từ) thu hái chè.

Trong Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất có yêu cầu: Xã có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, KTTT và HTX tiếp tục được xác định là yếu tố quan trọng khi tiêu chí số 13 được bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu khác, cụ thể như: Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; có kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống (nếu có) gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường; có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả…

Xác định tầm quan trọng của các HTX, làng nghề đối với Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Cùng với đó, tỉnh triển khai kế hoạch xây dựng NTM gắn với phát triển KTTT, HTX; tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các HTX, củng cố đối với các HTX khó khăn, rà soát, đánh giá chính xác số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX…Nhờ đó, khu vực KTTT, HTX của tỉnh từng bước được cải thiện.

Tính đến nay, Thái Nguyên có trên 650 HTX, 5 liên hiệp HTX, trên 4.500 tổ hợp tác và 272 làng nghề, làng nghề truyền thống. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân đạt từ 4 triệu đến 5,5 triệu đồng/người/tháng...

Ông Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hội (Đại Từ), thông tin: Hoạt động của 2 làng nghề và 3 HTX nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún sang quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con qua từng năm. 

Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân xã Tiên Hội đạt 52 triệu đồng/người/năm, cao hơn 12% so với tiêu chí của xã NTM nâng cao cùng thời điểm. Đời sống ổn định, nhân dân đã tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang. Đặc biệt, các HTX, làng nghề đã xây dựng thành công sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao, bảo tồn làng nghề chè truyền thống. Qua đó giúp Tiên Hội đảm bảo tiêu chí 13 và đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2022.

Nhiều HTX đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, góp phần phục vụ hoạt động sản xuất của các thành viên và tạo diện mạo mới cho nông thôn
Nhiều HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, góp phần phục vụ sản xuất của các thành viên và tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn. Trong ảnh: Trụ sở HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Liên Sơn, ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên).

Không riêng tại Tiên Hội, thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới về số lượng và chất lượng. Hoạt động của HTX được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, góp phần tích cực giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.

Có thể kể đến như HTX Dịch vụ sản xuất nông - lâm nghiệp Liên Sơn và HTX Nông nghiệp Thanh Sơn (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên). Cả 2 HTX này đều thu hút trên 1.000 thành viên tham gia, tạo điều kiện cho các thành viên được vay vốn ưu đãi, tham gia lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp chuyên sâu; mua cây giống, phân bón giá ưu đãi.... 

Cùng với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tham gia Chương trình xây dựng NTM, các thành phần KTTT, HTX đã vận động các thành viên hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường bê tông, xây dựng kênh mương, tham gia tích cực các phong trào của địa phương.

Ví dụ như: HTX xây dựng Trường Sơn và HTX xây dựng Tân Tiến ủng hộ kinh phí xây dựng gần 15km đường giao thông nông thôn vào xóm bản nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở huyện Võ Nhai. Nhiều HTX sản xuất chế biến chè đã chủ động đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm và khu thưởng trà, góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá sản phẩm và tăng trưởng kinh tế tại nhiều địa phương. Hay như các HTX dịch vụ môi trường có vai trò nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường…

Kết thúc năm 2022, tỉnh Thái Nguyên có 110/128 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 85,94%), 17 xã đạt NTM nâng cao và 4 xã NTM kiểu mẫu.

Để KTTT, HTX tiếp tục phát huy vai trò làm điểm tựa, góp sức thực hiện Chương trình xây dựng NTM, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, đặc biệt là tại các xã chưa đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, tiếp tục vận động, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình HTX kiểu mới, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện giúp các HTX tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phát triển...