Chỉ số PAPI 2022: Thái Nguyên tiếp tục thuộc nhóm trung bình cao của cả nước

Đồng Nam 16:42, 13/04/2023

Theo công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2022, được tổ chức ngày 12-4 tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức, Thái Nguyên nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. 

Chỉ số PAPI của năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên.
Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, năm 2022, Thái Nguyên đạt 43,01 điểm, 2 năm liên tiếp nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. Trong đó, Thái Nguyên có 2 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất là trách nhiệm giải trình với người dân (4,41 điểm) và quản trị điện tử cấp tỉnh (3,31 điểm).

Địa phương dẫn đầu về Chỉ số PAPI năm 2022 là tỉnh Quảng Ninh với 47,876 điểm, thứ 2 là Bình Dương (47,448 điểm), đứng thứ 3 là tỉnh Thanh Hóa với 46,015 điểm. Địa phương được đánh giá thấp nhất là tỉnh Cao Bằng với 38,8 điểm.

Bảng tổng hợp kết quả Chỉ số PAPI năm 2022 của các địa phương.
Bảng tổng hợp kết quả Chỉ số PAPI năm 2022 của các địa phương.

Báo cáo Chỉ số PAPI 2022 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 16.117 người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được chọn ngẫu nhiên. Chỉ số thể hiện kết quả cung cấp hành chính công cấp tỉnh ở 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Mục tiêu chung của chương trình nghiên cứu PAPI là nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.