Nỗ lực để đi đầu về cải cách hành chính

Duy Phương 17:14, 01/04/2023

Theo kết quả được UBND tỉnh công bố giữa tháng 3 vừa qua về đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022, TP. Thái Nguyên là đơn vị dẫn đầu các địa phương cấp huyện, với chỉ số trên 80 (là đơn vị duy nhất trong khối huyện được xếp loại tốt).

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Huống Thượng.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Huống Thượng.

Để có được kết quả này, UBND TP. Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác CCHC tiếp tục được triển khai đồng bộ, hoạt động kiểm tra, rà soát, đánh giá việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) được quan tâm thực hiện, góp phần giảm thời gian giải quyết đối với một số TTHC.

Đến nay, thành phố đã thực hiện công khai 275 TTHC cấp thành phố và 114 TTHC cấp xã. Hoạt động giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” của thành phố và UBND các phường, xã được duy trì thường xuyên, công khai, thuận tiện, nhanh chóng. Cụ thể, trong năm 2022, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của UBND TP. Thái Nguyên đã giải quyết đúng hạn 12.752/12.761 hồ sơ, chiếm trên 99,8% (trong đó có 8.089 hồ sơ được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến). Đối với bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của UBND các phường, xã, số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ hơn 99,8%. Điều đáng ghi nhận là trong năm vừa qua, trên địa bàn thành phố không phát sinh ý kiến phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, việc giải quyết các TTHC thuộc thẩm quyền.

Thêm một điểm nổi bật trong thực hiện CCHC ở TP. Thái Nguyên là từng bước xây dựng và phát triển chính quyền số điện tử, thiết lập các phòng họp không giấy tờ và thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Theo sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã linh hoạt xây dựng, phát triển nhiều ứng dụng, dịch vụ nội bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Điển hình như việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đến nay, cơ bản người dân đã chủ động thay đổi phương thức thực hiện các giao dịch (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội) và thực hiện mô hình Chợ 4.0 từ trả tiền mặt sang thanh toán trên website hoặc ứng dụng của các ngân hàng thương mại và đơn vị viễn thông.

TP. Thái Nguyên cũng phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn các hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm trên website: thainguyentea.gov.vn; tổ chức tập huấn hướng dẫn, đào tạo kỹ năng kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp, người dân.

Để nâng cao hiệu quả giải quyết các TTHC thông qua môi trường điện tử, thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị. Đến nay, 32/32 phường, xã đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát (với tổng số 304 mắt camera), kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Một điểm nhấn nữa của thành phố trong năm vừa qua là việc đưa Dự án Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị trên địa bàn vào hoạt động. Lãnh đạo TP. Thái Nguyên khẳng định, đây chính là bước đột phá, tạo nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Qua đó góp phần đấy mạnh CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn...

Phát huy những kết quả đạt được, ngay từ đầu năm 2023, TP. Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác CCHC và triển khai các nhiệm vụ đánh giá, xác định Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện chuyển đổi số, xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành đô thị thông minh và ưu tiên chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Y tế; giáo dục và đào tạo; kiểm soát an ninh trật tự; xây dựng xã hội thông minh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến…