100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trong diện phải tạm dừng hoạt động, muốn mở cửa trở lại phải tái đầu tư xây dựng với khoản kinh phí lớn. Nhiều cơ sở đã xin rút giấy phép kinh doanh... Đó là tình trạng đã và đang diễn ra tại huyện miền núi Định Hóa khi các quy chuẩn mới về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có hiệu lực. Điều đó khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Để đủ điều kiện hoạt động trở lại, cơ sở kinh doanh karaoke của gia đình bà Trương Thị Tài, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa), đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tái đầu tư 2/3 phòng hát. |
Suốt mấy tháng qua, bà Trương Thị Tài, chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, phải ngược xuôi vay mượn tiền, tìm mua vật liệu chống cháy, thuê thợ từ miền xuôi đến để trang trí, lắp đặt lại 2 phòng hát karaoke của gia đình. Bà luôn túc trực đôn đốn, nhắc nhở nhóm thợ thực hiện các công đoạn cẩn trọng, tỷ mỷ, đảm bảo thẩm mỹ, đặc biệt là vấn đề PCCC.
Bà Tài chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ karaoke từ năm 2015 với 3 phòng hát. Trước đây, khi có quy định về PCCC trong phòng hát như thiết bị điện, cửa thoát hiểm… tôi đã nâng cấp, cải tạo. Nhưng từ khi có quy chuẩn mới về việc sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, đồng thời phải có phiếu kết quả kiểm định của cơ quan có thẩm quyền thì gia đình tôi phải dỡ bỏ toàn bộ thiết kế cũ để làm lại. Trung bình để làm mới lại mỗi phòng hát như vậy, tôi mất khoảng 200 triệu đồng. Vậy nên, dù có nỗ lực gom góp, vay mượn, tôi cũng chỉ có thể đầu tư lại 2/3 phòng hát.
Thực tế, các phòng hát karaoke của gia đình bà Tài đều được xây dựng tách biệt với nhà ở. Các phòng hát có lối đi riêng (1 tầng liền nhau), trước cửa ra vào là khoảng sân rộng. Nếu chẳng may có sự cố cháy nổ xảy ra, người trong phòng hát chỉ cần mở cửa là có thể thoát ra ngoài, không phải qua bất cứ hành lang, cầu thang hay nhảy từ trên cao xuống. Bởi vậy, trước những quy định mới, bà Tài dù rất ủng hộ nhưng cũng có băn khoăn.
Bà Tài nói: Tôi hiểu, các quy định, quy chuẩn mới khắt khe hơn về PCCC là điều cần thiết, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, tôi cũng rất mong các cấp, ngành nên căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của từng cơ sở mà đưa ra quy định, quy chuẩn cụ thể, phù hợp. Ví dụ, đối với các cơ sở kinh doanh karaoke xây dựng tách biệt, nhỏ lẻ, nhà 1 tầng, không có lối đi chung, không có cầu thang, cửa hướng ra sân rộng thì nên hạ thấp các tiêu chí, tiêu chuẩn…
Tương tự cơ sở của bà Tài, 3 phòng hát tại Nhà nghỉ - karaoke Hoa Sữa, ở tổ dân phố Tân Á, thị trấn Chợ Chu, cũng đã phải dừng hoạt động từ đầu tháng 5-2023 đến nay, do không đáp ứng các quy chuẩn mới về PCCC. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện để cải tạo, đầu tư lại nên chủ cơ sở vẫn để nguyên.
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” các phòng hát, chị Lý Thị Chinh, chủ cơ sở, tỏ ra lo lắng trước khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng phải “đắp chiếu”. Do dừng hoạt động, máy móc để không nên phòng ốc và các trang thiết bị đang dần xuống cấp. Mặc dù thỉnh thoảng chị Chinh có lau dọn nhưng không tránh khỏi ẩm, mốc, chưa kể các thiết bị điện tử đắt tiền lâu ngày không sử dụng cũng rất dễ hỏng.
Công an huyện Định Hóa kiểm tra việc cải tạo, thay thế các chất liệu sử dụng trong một phòng hát karaoke theo quy chuẩn PCCC. |
Thiếu tá Hoàng Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Định Hóa), cho biết: Trên địa bàn huyện có tổng số 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Sau khi có quy định, quy chuẩn mới về PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, rà soát và yêu cầu những cơ sở không đáp ứng được các tiêu chí tạm dừng hoạt động để tiến hành khắc phục. Sau khi cải tạo, thiết kế lại đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn (có kiểm tra, thẩm định), được cơ quan chức năng đồng ý thì mới có thể hoạt động trở lại. Theo đó, từ tháng 5-2023 đến nay, 100% cơ sở trên địa bàn phải dừng hoạt động để cải tạo, làm mới. Hiện chỉ có số ít cơ sở đầu tư làm mới lại, đề nghị thẩm định để hoạt động trở lại.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi thấy hầu hết cơ sở kinh doanh karaoke ở Định Hóa đều có quy mô nhỏ, từ 2-3 phòng hát và xây theo dạng nhà cấp 4, một tầng, có sân rộng. Nếu chẳng may có sự cố cháy nổ xảy ra thì việc thoát nạn cũng khá dễ dàng.
Tuy nhiên, vì không đáp ứng quy chuẩn mới về PCCC nên các cơ sở này phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Đến nay, nhiều chủ cơ sở chưa tiến hành tái đầu tư, 6 cơ sở đã xin rút giấy phép kinh doanh, chủ yếu là do không có kinh phí tái đầu tư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, thu nhập của các hộ kinh doanh, cũng như nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân trên địa bàn.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở huyện Định Hóa mong muốn các cấp, ngành chức năng khi đưa ra những quy định cần bám sát thực tế của từng cơ sở để áp dụng cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với cơ sở kinh doanh tập trung nhiều phòng hát, nhiều tầng, chung cầu thang và lối thoát hiểm thì áp dụng quy chuẩn cao hơn, khắt khe hơn những cơ sở nhỏ lẻ, chỉ có 1 tầng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin