Gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng ở Sông Công

Minh Phương 08:28, 21/11/2023

Để thu hút các nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu đặc biệt quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ khó, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Xác định rõ điều này, TP. Sông Công đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều cách làm phù hợp nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Dự án Khu dân cư đường Vũ Xuân, phường Châu Sơn (TP. Sông Công), hiện vẫn còn một số hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Dự án Khu dân cư đường Vũ Xuân, phường Châu Sơn (TP. Sông Công), hiện vẫn còn một số hộ chưa bàn giao mặt bằng.

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Sông Công, chia sẻ: Thời gian qua, TP. Sông Công đã tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện nhiều dự án. Đối với các hồ sơ đất đai trong diện thu hồi, đền bù GPMB, chúng tôi thực hiện rà soát kỹ đảm bảo đúng loại đất, đúng chủ sử dụng, trùng khớp với hồ sơ địa chính. Tiếp đó, đơn vị tham mưu xây dựng đơn giá bồi thường phù hợp với mặt bằng chung trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với chủ đầu tư, các xã, phường có dự án triển khai để tuyên truyền về quy mô, ý nghĩa của dự án, diện tích đất GPMB…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, hằng tuần, hằng tháng, UBND thành phố đều tổ chức họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Từ đó kịp thời nắm bắt tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc của từng dự án; chỉ đạo giải quyết những vướng mắc ngay khi mới phát sinh. Lãnh đạo UBND thành phố cũng thường xuyên kiểm tra thực địa, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của người dân và chủ đầu tư để có phương án giải quyết phù hợp.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Đơn cử như Dự án quy hoạch mở rộng Quảng trường và xây dựng Hội trường Thành ủy Sông Công có 6 hộ có công trình nhà được cấp phép có thời hạn, giá trị công trình lớn nhưng không được bồi thường, hỗ trợ. Sau khi được tuyên truyền, vận động, các hộ đã tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng.

Từ đầu năm đến nay, TP. Sông Công đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB để thực hiện thu hồi đất đối với 859 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với diện tích 53,88ha, tổng giá trị bồi thường 251 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với những hồ sơ bảo đảm căn cứ pháp lý, phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ, đúng chế độ, chính sách, pháp luật và đã được giải thích, vận động, đối thoại công khai, nhưng người dân vẫn cố tình khiếu nại, không bàn giao mặt bằng, cơ quan chức năng TP. Sông Công kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất.

10 tháng qua, TP. Sông Công đã ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với 28 hộ; cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc 17 hộ; cưỡng chế thu hồi đất 11 hộ.

Kết quả, thành phố đã vận động thành công 12 hộ trong diện kiểm đếm bắt buộc, 14 hộ trong diện cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, 9 hộ trong diện cưỡng chế thu hồi đất; thực hiện cưỡng chế thu hồi đất đối với 2 hộ dân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc về quy hoạch, chưa phù hợp với thực tiễn và kết nối hiện trạng sử dụng đất, vướng mắc về trích đo… Do đó, TP. Sông Công tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB các dự án; phấn đấu đến hết năm 2023 phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của hơn 1.010 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích trên 80,40ha, tổng giá trị bồi thường trên 302 tỷ đồng. Cùng với đó, chính quyền thành phố tích cực làm việc với các nhà đầu tư để thống nhất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; hoàn thành công tác thu hồi đất dự án Cụm công nghiệp Nguyên Gon; giải quyết kịp thời các đơn thư, kiến nghị, đề nghị, khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường, GPMB…