Nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

T.N 07:36, 24/04/2023

Theo kết quả mới công bố, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Thái Nguyên thăng hạng 3 bậc, lên vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc (với điểm số 7,9 - tăng 0,63 điểm so với năm 2021). Đây chính là động lực để Thái Nguyên hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Các nhà đầu tư tìm hiểu quy hoạch về đất đai tại các dự án trên địa bàn huyện Đồng Hỷ qua hệ thống dữ liệu dùng chung.
Nhà đầu tư tìm hiểu quy hoạch về đất đai tại các dự án trên địa bàn huyện Đồng Hỷ qua hệ thống dữ liệu dùng chung.

Nếu như năm 2019, Thái Nguyên đứng ở vị trí 60/63 tỉnh, thành phố về chỉ số tiếp cận đất đai, thì năm 2020, tỉnh vươn lên vị trí 31 (tăng 29 bậc). Đến năm 2021, Thái Nguyên tiếp tục thăng hạng, xếp thứ 22/63. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh đã có bước tiến vượt bậc khi xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số này.

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ số tiếp cận đất đai được xem là có ý nghĩa bậc nhất về năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của các địa phương. Thực tế, tiếp cận đất đai là lĩnh vực rất nhạy cảm, chính sách pháp luật về lĩnh vực này phức tạp, có tính lịch sử và thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung. Chính vì vậy, để đạt được kết quả này là cả quá trình nỗ lực rất lớn của tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Để có được kết quả trên, những năm gần đây, Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực tài chính, thuế, kế hoạch và đầu tư; xây dựng khung giá đất của tỉnh phù hợp với giá thị trường; nỗ lực tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, từng bước hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai. Chính vì vậy, Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước có tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai sớm và nhanh nhất. Đến nay có 4 địa phương (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ) đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng theo mô hình dữ liệu lưu trữ tập trung tại Trung ương. Nhờ đó, các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin một cách minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu đất đai.

Một trong những điểm đột phá trong năm 2022 là lần đầu tiên Thái Nguyên công bố Bộ chỉ số DDCI năm 2021 của tỉnh. DDCI là cuộc khảo sát, đánh giá ở cấp tỉnh, nhằm lấy ý kiến đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với từng sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố về thực trạng điều hành kinh tế, thực tế môi trường kinh doanh một cách đầy đủ, toàn diện hơn.

Điều này đã đặt các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước luôn phải cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết nhanh chóng những "nút thắt" về thủ tục tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng… Từ đó thu hẹp khoảng cách giữa khả năng của chính quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.

Nếu doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, đồng nghĩa với việc họ có thể có một loại tài sản thế chấp minh bạch, chất lượng và kịp thời hơn trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Thực tế đã chứng minh các địa phương có mặt bằng sạch, thủ tục pháp lý rõ ràng sẽ là điểm cộng rất lớn trong quyết định lựa chọn của các nhà đầu tư.

Với những nỗ lực rất lớn trong thời gian qua, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Thái Nguyên sẽ là thành tố chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Và mục tiêu của tỉnh là tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư.



Mua bán nhà đất mỹ gia nha trang Chính chủ, Giá Tốt Nhất