Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh với hàng loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện chú trọng nghiên cứu các sáng kiến, đề tài, đề xuất giải pháp CCHC. Nhờ vậy, hằng năm có nhiều đề tài, sáng kiến về lĩnh vực này được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) - “bộ não số” của tỉnh với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, các phần mềm điều khiển trung tâm tạo ra một cái nhìn về tỉnh trên mọi lĩnh vực. |
Có thể nói, việc nghiên cứu các sáng kiến, đề tài, đề xuất giải pháp CCHC đã trở thành phong trào thi đua trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều cá nhân đã dành tâm huyết, sự hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn công tác cũng như lý luận để nghiên cứu xây dựng các đề tài, sáng kiến phù hợp.
Số lượng đề tài, sáng kiến theo đó cũng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2021 có 15 sáng kiến, đề tài nghiên cứu về CCHC được UBND tỉnh công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh thì năm 2022 có 39 sáng kiến, đề tài khoa học được công nhận phạm vi ảnh hưởng. Trong số này, có nhiều sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao và có thể áp dụng trong phạm vi toàn quốc.
Một trong những sáng kiến như vậy là Đề tài: Chuyển đổi số hỗ trợ an sinh xã hội của nhóm tác giả Đỗ Xuân Hòa, Đào Ngọc Tuất, Phạm Thị Phương Nga (Sở Thông tin và Truyền thông). Đây là sáng kiến nhằm thay thế việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng; đồng thời quản lý việc thực hiện các chính sách qua hồ sơ giấy tờ bằng hệ thống phần mềm điện tử, thực hiện đồng bộ tại các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Việc triển khai sáng kiến này đã giúp các cơ quan Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đối chiếu, xác thực thông tin về các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, phục vụ công tác chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.
Theo đó, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tích cực tạo tài khoản cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Việc tiếp nhận, quản lý, thanh toán điện tử đã được áp dụng hiệu quả. Người được hưởng trợ cấp an sinh xã hội không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức mà còn có cơ hội tiếp xúc với công nghệ hiện đại, nâng cao nhận thức và “hòa nhịp” với quá trình chuyển đổi số, xu hướng thanh toán không tiền mặt.
Cải cách tổ chức, bộ máy Nhà nước cũng là một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm và triển khai hiệu quả. Về nội dung này, nhóm tác giả: Nguyễn Đức Lực (Bí thư Huyện uỷ Định Hoá, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ), Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Trần Mạnh Cường (Phòng Tổ chức biên chế và Tổ chức phi chính phủ - Sở Nội vụ) có đề tài "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trực thuộc Sở Ngoại vụ và Sở Thông tin và Truyền thông".
Cụ thể là sáp nhập Trung tâm Thông tin và Dịch vụ đối ngoại Thái Nguyên (trực thuộc Sở Ngoại vụ) vào Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông). Sáng kiến nhận định, tuy là 2 đơn vị SNCL trực thuộc 2 sở khác nhau nhưng có cùng chức năng, có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tiết kiệm biên chế, tiết kiệm kinh phí sử dụng ngân sách Nhà nước khoảng 630 triệu đồng/năm.
Bên cạnh những sáng kiến trên, còn có nhiều đề tài khác đã được áp dụng phù hợp với thực tế và cho thấy hiệu quả, như: Sáng kiến nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh (nhóm tác giả thuộc Sở Thông tin và Truyền thông); Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của UBND cấp huyện (Sở Nội vụ); Triển khai thử nghiệm Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương trên địa bàn tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ)...
Các đề tài, sáng kiến, giải pháp sẽ tác động tích cực đến quá trình đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính phục vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin