Sau khi thực hiện xã hội hóa, hoạt động đăng kiểm trên cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng bắt đầu “nở rộ”. Qua đó góp phần giảm bớt áp lực cho công tác đăng kiểm ở khu vực công, nhưng từ đây cũng xuất hiện nhiều mặt trái. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
Việc xã hội hóa góp phần giảm bớt áp lực về công tác đăng kiểm cho khu vực công, nhưng cũng xuất hiện nhiều mặt trái. |
P.V: Đầu tiên, xin ông cho biết thông tin chung về hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Đăng kiểm xe cơ giới là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quy định trong Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Các đơn vị đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực theo quy định sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cấp giấy phép hoạt động.
Hiện nay, Thái Nguyên có 9 trung tâm đăng kiểm hoạt động, trong đó có 2 trung tâm là đơn vị sự nghiệp và 7 trung tâm tư nhân, với 13 dây chuyền, công suất kiểm định tối đa đạt 300 nghìn xe/năm.
Về công tác quản lý, Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý theo ngành dọc, chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép hoạt động, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, kiểm chuẩn định kỳ, thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố có vai trò quản lý Nhà nước, đôn đốc, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm trên địa bàn tỉnh.
P.V: Với nhiều trung tâm và công suất đăng kiểm lớn như vậy, Thái Nguyên có mặt lợi và hại như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Trước hết, phải nói đến cái được cho xã hội. "Được" ở đây là tiết kiệm thời gian, công sức của rất nhiều người đi đăng kiểm. Những năm trước, người dân đi đăng kiểm phải chờ đợi, xếp hàng, bây giờ thì rất nhanh. Các trung tâm được đặt tại nhiều địa phương như các thành phố: Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công và huyện Phú Lương, nên chủ phương tiện có nhiều lựa chọn, không phải đi xa đăng kiểm. Đây cũng là động lực giúp các trung tâm đăng kiểm phải cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều trung tâm đã đầu tư phòng chờ, phục vụ cà phê, nước giải khát, tạo cảm giác thoải mái cho người dân…
Tuy nhiên, năng lực kiểm định của các trung tâm đăng kiểm hiện nay cao hơn so với nhu cầu đăng kiểm số ô tô đang được quản lý trên địa bàn tỉnh. Cung lớn hơn cầu cũng tạo nên áp lực khiến các trung tâm có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh như: không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình kiểm định nhằm tiết kiệm thời gian, bỏ qua một số lỗi của phương tiện…
Hoạt động đăng kiểm xe ô tô tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 20-04.D. |
P.V: Những nguy cơ ông vừa nói từng xảy ra tại Thái Nguyên hay chưa? Sở Giao thông Vận tải đã có những giải pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Đã là nguy cơ thì có khả năng xảy ra tại nhiều trung tâm trên cả nước, không loại trừ Thái Nguyên.
Để ngăn chặn tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh.
Trong 2 năm (2021-2022), cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 2 trung tâm đăng kiểm tại Thái Nguyên là: 20.04D và 20.08D vi phạm. Các trung tâm này đã bị tạm đình chỉ hoạt động 1 tháng và đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 đăng kiểm viên. Ngoài ra, thanh tra Sở Giao thông Vận tải cũng kiểm tra, phát hiện 2 đăng kiểm viên vi phạm quy trình kiểm định và đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam kỷ luật đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm viên trong thời hạn 2 tháng.
Từ ngày 4 đến 17/1/2023, Đoàn kiểm tra của Sở Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra đột xuất 9 trung tâm đăng kiểm hoạt động trên địa bàn tỉnh, với 13 dây chuyền đăng kiểm. Qua kiểm tra đã phát hiện vi phạm ở một số đơn vị. Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20.09D (thuộc Công ty TNHH Vũ Tần) do vi phạm quy trình kiểm định. Đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý 7 đăng kiểm viên thuộc các trung tâm: 20.09D; 20.08D; 20.07D; 20.01S; 20.05D, với tổng số tiền phạt 10,5 triệu đồng.
P.V: Với việc siết chặt quản lý hoạt động đăng kiểm, nhiều người đang rất quan tâm về những phương tiện đã thay đổi một số linh kiện so với nguyên bản, nhất là xe “độ”. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Hoạt động, quy trình đăng kiểm thực hiện theo các quy định rất chặt chẽ. Cục Đăng kiểm gần đây cũng có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm trên cả nước phải tuân thủ nghiêm quy định, làm sai sẽ bị xử lý. Do vậy, các phương tiện không bảo đảm quy định sẽ không đăng kiểm được.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin