Mấy ngày nay, dư luận xã hội và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm đến sự kiện Thái Nguyên là một trong 5 tỉnh sớm nhất cả nước được Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Điều đó cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong tổ chức xây dựng quy hoạch. Theo đánh giá chuyên môn, đây là công trình quy hoạch đồ sộ mang tính bao trùm, vừa phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, vừa tạo dư địa cho các quy hoạch thấp hơn.
Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 khu công nghiệp. Ảnh T.L |
Thời gian qua, thực hiện Luật Quy hoạch, các địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, tiến độ triển khai ở từng địa phương khác nhau, có tỉnh đã hoàn thành, được phê duyệt, có tỉnh chưa đủ điều kiện để phê duyệt và cá biệt có tỉnh mới bắt đầu triển khai.
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, do là lần đầu triển khai nên vị thế của quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch chưa thực sự được hiểu thống nhất giữa các địa phương, dẫn đến cách triển khai lập quy hoạch, kết quả của quy hoạch tỉnh và sau này là cách thức sử dụng quy hoạch tỉnh trong quản lý phát triển tại địa phương có thể sẽ khác nhau.
Việc triển khai lập quy hoạch tỉnh không đơn giản, vì trong đó phải thể hiện được vai trò, mục tiêu, sự tương tác với các quy hoạch khác bao gồm cả quy hoạch cấp trên và quy hoạch cấp dưới, nhất là phải tính toán đến các nguồn lực lớn để thực hiện theo lộ trình.
Với Thái Nguyên, việc lập quy hoạch tỉnh được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, triển khai từ sớm. Các bước tiến hành bài bản, khoa học, đúng trình tự, thủ tục trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của tỉnh, vừa đảm bảo khung định hướng phát triển tổng thể vừa tạo giới hạn về mức độ chi tiết để các quy hoạch cấp dưới, cũng như các đề án, chương trình phát triển ngành, lĩnh vực có thể đưa ra phương án, giải pháp phát triển cụ thể.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế, xã hội, cực tăng trưởng có tác động lớn đối với cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện. Và đến năm 2050, xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.
Cùng với chiến lược phát triển toàn diện, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng mang tính đột phá. Trong đó đáng chú ý là phát triển ngành Công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển bền vững để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp.
Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành hiện đại, chuyên môn hóa cao; phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường.
Để đảm bảo yêu cầu phát triển ngành Công nghiệp hiện đại, tỉnh quan tâm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Từ đó tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp để tăng tính cạnh trang quốc gia, quốc tế, hình thành các cụm liên kết ngành có quy mô lớn.
Trong thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha; phát triển 41 cụm công nghiệp với diện tích trên 2.000ha...
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt là định hướng, chiến lược phát triển quan trọng của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch. Đây chính là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Thông qua đây, tỉnh Thái Nguyên sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đủ lớn thực hiện thành công các nhiệm vụ theo Quy hoạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin