Trận dông lốc xảy ra cách đây mấy hôm tại Thái Nguyên làm thiệt hại gần 4 tỷ đồng đã cho thấy sự bất ngờ của thời tiết ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay. Do vậy, để ứng phó kịp thời với bão lũ cần sự quan tâm, chủ động từ sớm, từ xa, huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Cây xanh bị gãy đổ trên đường Bến Tượng (TP. Thái Nguyên) do trận dông lốc sáng 29-4. |
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trận dông lốc bất ngờ rạng sáng 29-4 vừa qua đã khiến gần 600 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nơi bị sạt lở đất đá, đổ cây, hư hỏng trường lớp, trạm biến áp, cột điện và hàng trăm héc ta hoa màu cùng nhiều chuồng trại, gia súc, gia cầm của người dân bị thiệt hại. Đặc biệt, mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ khiến giao thông đi lại bất tiện, nhiều khu dân cư bị cô lập.
Đây mới chỉ là đợt dông lốc đầu tiên với mức độ nhẹ trong mùa mưa bão năm nay. Còn nhớ, năm 2022, tổng số đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh là 16 đợt, tăng 4 đợt so với năm 2021, làm 3 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản lên tới 66,6 tỷ đồng.
Dự báo năm nay thiên tai có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Theo các chuyên gia từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 được dự báo sẽ có khoảng từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn bão, áp thấp ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Đầu mùa mưa, thiên tai, bão lũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc.
Trước thực tế trên, tỉnh Thái Nguyên đã có những chỉ đạo từ sớm, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Với các công trình thủy lợi phải có phương án đảm bảo an toàn, nhất là với công trình thi công dở dang. Các công trình lớn như hồ Núi Cốc, hồ Gò Miếu, hồ Bảo Linh… phải có phương án điều tiết nước, vận hành hợp lý, kịp thời nhằm chủ động phòng lũ từ sớm, từ xa.
Với công trình đê điều, nhất là đê xung yếu tại khu vực TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình, các đơn vị quản lý chuyên trách phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu để đảm bảo không có diễn biến xấu nhất xảy ra.
Còn tại các khu vực khai thác khoáng sản có những bãi thải, hồ chứa bùn thải, quặng đuôi có nguy cơ mất an toàn như các mỏ than: Minh Tiến, Phấn Mễ, Bá Sơn, Khánh Hòa và các mỏ sắt: Trại Cau, Tiến Bộ, Đại Khai… cần chủ động lập phương án phòng, chống sạt trượt, vỡ đập khi có thiên tai.
Các công trình nhà ở, nhà xưởng, công trình đang thi công, các khu khai thác, chế biến khoáng sản… đều phải có phương án an toàn cho người, phương tiện khi có thiên tai.
Đối với các địa phương, tỉnh yêu cầu đảm bảo chế độ trực ban, báo cáo kịp thời, chính xác các thông tin thiên tai 24/24 giờ. Chỉ đạo chính quyền cơ sở củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Tuyên truyền, vận động và yêu cầu người dân chủ động xây dựng, nâng cấp, bảo vệ công trình nhà ở đảm bảo an toàn trước thiên tai hoặc có phương án di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Tuyệt đối không xây dựng nhà ở hoặc nơi cư trú tại khu vực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai; không được tự ý đào, bạt đồi núi để xây nhà ở khi chưa đảm bảo các điều kiện.
Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp xây nhà tự phát ở các nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Đồng thời có phương án di chuyển họ ra khỏi vùng nguy hiểm…
Với phương châm “4 tại chỗ”, phòng chống lụt bão từ xa, từ sớm, không chỉ với một số ngành, địa phương, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, các tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân phải cùng chung tay ứng phó với thiên tai, bão lũ. Tất cả vì mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin