Loại bỏ ngay tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Nguyễn San 14:28, 27/04/2023

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số ngành, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác trở nên phổ biến, làm trì trệ công việc, giảm hiệu lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã phải có văn bản chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.

Theo yêu cầu, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải luôn đảm bảo nguyên tắc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính và hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, do công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật cùng với nhiều lý do khác đã khiến không ít cơ quan, đơn vị và cá nhân có tâm lý sợ sai, không dám giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước. Chính phủ xác định, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan. Việc nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi công vụ chưa được quan tâm đúng mức...   

Nhằm chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trên, đồng thời phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nói, bảo đảm kỷ cương hành chính và hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị không chuyển công việc thuộc thẩm quyền sang các cơ quan, đơn vị khác và không giải quyết các công việc không thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời trả lại văn bản cho các đơn vị xin ý kiến.

Các cơ quan, đơn vị được lấy ý kiến phải trả lời đúng hẹn, có chính kiến rõ ràng, không chung chung, né tránh. Tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, để trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Trường hợp vi phạm để ảnh hưởng đến công việc chung cần xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo quy định; xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó là biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các tổ chức, cá nhân quyết liệt trong thi hành công vụ, mang lại hiệu quả cao.

Tuy chưa có thống kê, đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế nêu trên tại Thái Nguyên, nhưng chắc chắn đâu đó trong tỉnh vẫn có trường hợp mang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ký văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh nghiêm túc quán triệt, triển khai theo yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, quan tâm rà soát khắc phục ngay tình trạnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra.