Đó là chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại văn bản ban hành mới đây về rà soát, tăng cường công tác quản lý, khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm, chậm xử lý vi phạm của các dự án khai thác không đúng giấy phép, vi phạm về an toàn giao thông, môi trường…
Ảnh minh họa. |
Thời gian qua, nhu cầu về sử dụng đất san lấp phục vụ các dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng mạnh. Do thiếu vật liệu san lấp nên ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng khai thác đất san lấp trái phép, vận chuyển đất không rõ nguồn gốc. Việc quản lý đất san lấp ở một số nơi, một số dự án còn lỏng lẻo làm thất thoát tài nguyên, nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 mỏ đất san lấp được cấp phép với tổng trữ lượng khoảng 14 triệu m3, công suất khai thác khoảng 3 triệu m3/năm. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì đất san lấp cục bộ cho các dự án lớn của tỉnh vẫn còn thiếu một lượng không nhỏ.
Ví dụ, Dự án Tuyến đường liên kết vùng dự tính còn thiếu khoảng 600 nghìn m3 đất; các dự án khu đô thị, khu dân cư, tái định cư và các công trình hạ tầng khác cũng thiếu tới hàng triệu m3 đất san lấp. Tại một số huyện vùng cao, miền núi của tỉnh, do chưa được cấp mỏ khai thác đất nên tình trạng thiếu đất san lấp cho các dự án càng trở nên trầm trọng. Nhiều đơn vị thi công, nhà đầu tư "kêu trời" vì chi phí vận chuyển đất cao do phải lấy từ các mỏ đất xa dự án. Vì thế, đâu đó không tránh khỏi tình trạng khai thác đất trái phép và tiêu thụ đất không rõ nguồn gốc.
Để đảm bảo các dự án hoàn thành tiến độ, đồng thời gia tăng kiểm soát hoạt động khai thác đất san lấp, tỉnh Thái Nguyên một mặt tiếp tục kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh quy định về cấp phép khai thác mỏ đất theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, một mặt tăng cường các biện pháp siết chặt công tác quản lý.
Theo đó, giải pháp hiệu quả là tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả đất san lấp để gây nhiễu loạn thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xử lý nghiêm các chủ mỏ đất cố tình vi phạm quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị hướng dẫn đấu giá các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định; hướng dẫn các đơn vị trúng đấu giá thực hiện quy trình, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Các đơn vị được cấp phép khai thác đất san lấp trên địa bàn phải chấp hành nghiêm việc khai thác đất theo đúng giấy phép được cấp; thực hiện đúng quy định về thông báo, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, kế hoạch khai thác và niêm yết công khai kế hoạch khai thác để nhân dân theo dõi, giám sát.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên có 32 điểm mỏ được quy hoạch làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích hơn 480ha. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác đối với 22 khu vực đất làm vật liệu san lấp. Cụ thể như: Mỏ đất san lấp khu 1 và khu 2 thị trấn Chợ Chu, Mỏ đất xã Phúc Chu, xã Phú Tiến (Định Hóa); Mỏ đất san lấp tổ dân phố Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả và Mỏ đất xóm Khuôn Vạc, xã La Hiên (Võ Nhai); Mỏ đất san lấp xã Phủ Lý, Mỏ đất xã Tức Tranh, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương)...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin