Tác động của biến đổi khí hậu khiến các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai ngày càng nghiêm trọng, khó lường, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và các hoạt động sản xuất. Để ứng phó, nhất là đối với bão mạnh, lũ lụt và sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...
Công nhân Điện lực Định Hóa kiểm tra hệ thống điện bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Ảnh: Việt Dũng |
Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai trong phạm vi cả nước đã khiến 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Tính riêng trong tháng 7 vừa qua, mưa lũ, sạt lở đất đã làm hơn 40 người chết và mất tích. Điển hình là vụ sạt lở đất trên Quốc lộ 34 làm 11 người chết. Mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất ở Sơn La, Điện Biên những ngày cuối tháng 7 làm 20 người chết và mất tích. Mưa lớn cũng gây ra ngập lụt ở đô thị và một số khu dân cư tại Hà Nội, Sơn La, Lạng Sơn,...
Tại Thái Nguyên, theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 7 đợt thiên tai, làm 3 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng 32 tỷ đồng. Nhiều đợt mưa to, có nơi mưa rất to, gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương như: TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, huyện Đồng Hỷ...
Chỉ tính riêng đợt mưa lớn từ ngày 28-7 đến 2-8 vừa qua đã khiến 1 người tại huyện Định Hóa tử vong do nước lũ cuốn trôi. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, nhiều diện tích lúa và hoa mầu bị ngập úng không có khả năng khắc phục, sạt lở khiến một số tuyến giao thông bị ảnh hưởng… Ước tổng thiệt hại về tài sản gần 25 tỷ đồng,
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8-2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Để chủ động ứng phó, nhất là đối với bão mạnh, lũ lụt và sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ”, với tinh thần kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là những khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay thì phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân…
Để chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại của thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo có vai trò cực kỳ quan trọng. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm độ tin cậy; theo dõi chặt chẽ diễn biến và thông tin kịp thời về thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động các biện pháp ứng phó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin