Sáu thập kỷ biết mấy tự hào

05:45, 23/08/2022

Báo Thái Nguyên - Cơ quan của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tiếng nói của Đảng, chính quyền và diễn đàn của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Với tôn chỉ, mục đích ấy, 60 năm qua, Báo Thái Nguyên luôn làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình. Cùng với báo chí cả nước, bằng bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng, Báo Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và công chúng báo chí.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh trao giải Nhất cuộc thi báo chí Vì an toàn giao thông Thái Nguyên năm 2021 cho 2 nhà báo công tác tại Báo Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh trao giải Nhất cuộc thi báo chí "Vì an toàn giao thông Thái Nguyên" năm 2021 cho 2 nhà báo công tác tại Báo Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Ngược thời gian, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, cùng với một số địa phương, Thái Nguyên được chọn để tập trung nguồn lực xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Với sự ra đời Khu công nghiệp Gang thép, Thái Nguyên trở thành “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp luyện kim cả nước. Không chỉ tập trung kiến thiết, quân và dân Thái Nguyên còn làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

Lúc này, báo chí chính là công cụ quan trọng ở mỗi địa phương, là cầu nối tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh chỉ có tờ tin Gang Thép, tờ tin Thái Nguyên và một đài truyền thanh với quy mô, tính chất hoạt động bó hẹp, nên công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ cách mạng mới. 

Trước thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 25/8/1962, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Đức Chỉnh đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TN về việc chuyển tờ tin Thái Nguyên thành tờ Báo Thái Nguyên và tổ chức của báo, đài truyền thanh tỉnh. 

Trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên có quyền tự hào là nơi sinh thành và đứng chân của hàng chục tờ báo, đài phát thanh, cơ quan thông tấn, in ấn: Năm 1949, Trường đào tạo báo chí đầu tiên mang tên nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái (Đại Từ); từ năm 1949-1950, Báo Văn nghệ Cứu quốc có mặt tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ). Ngày 21/4/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập tại xã Điềm Mặc; Báo Quân đội Nhân dân thành lập ngày 20/10/1950 tại xóm Khau Diều, xã Thanh Định; ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân in ấn và phát hành số đầu tại xã Quy Kỳ (Định Hóa)… Tất cả đã tạo cho mảnh đất Thái Nguyên và cả cùng Việt Bắc rộng lớn một môi trường báo chí phong phú, là hành trang để những người làm báo Đảng Thái Nguyên mang theo trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Những ngày đầu thành lập, Báo Thái Nguyên chỉ có 4 phóng viên là cán bộ tuyên truyền của các đơn vị đầu quân làm báo. Sau một tháng rưỡi chuẩn bị, ngày 18/10/1962, số báo Thái Nguyên đầu tiên gồm 4 trang khổ 27x39cm ra đời, đúng dịp chào mừng thị xã Thái Nguyên được công nhận là thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh.

Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết sáp nhập tỉnh Bắc Kạn vào tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Với 4 cán bộ của Báo Bắc Kạn chuyển về, lúc này Báo Bắc Thái có 16 cán bộ, phóng viên. Tờ tin Gang Thép cũng được sáp nhập vào Báo Bắc Thái. Một chương mới lại mở ra. Ngày 4/6/1965, Báo Bắc Thái ra số đầu và từ đây báo phát hành 2 kỳ mỗi tuần, vào thứ ba và thứ sáu.

Giữa tháng 10-1965, đế quốc Mỹ huy động máy bay ném bom xuống khu vực cầu Gia Bẩy, làm 147 người chết và bị thương. Báo Bắc Thái theo lệnh chung đi sơ tán lên xã Phấn Mễ (Phú Lương) rồi về khu Rừng Vầu thuộc xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Trong hoàn cảnh ấy, Báo vẫn phát hành đều đặn, cập nhật thông tin chiến sự và các phong trào thi đua của quân và dân ta.

Từ năm 1971-1990, Báo vẫn phát hành định kỳ mỗi tuần 2 số, mỗi số 3.000 tờ, in ty pô tại Xí nghiệp quốc doanh in Bắc Thái hoặc Nhà in Việt Lập của Khu tự trị Việt Bắc. Giai đoạn này, Báo có thêm nhiều cây viết mới có sức trẻ, trình độ và mở nhiều chuyên mục hay, thu hút độc giả. Tờ báo như được thổi một luồng gió mới từ cách thể hiện đến quy mô đầu tư cho các bài phóng sự, bình luận, điều tra.

Tin vui nối tiếp tin vui, ngày 2/9/1993, tòa nhà 3 tầng rộng 950 mét vuông là nơi làm việc của cơ quan Hội Nhà báo tỉnh và Báo Bắc Thái được khánh thành. Đây là một bước chuyển biến mới về cơ sở vật chất, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, phóng viên tác nghiệp mà còn góp phần nâng cao vị thế của tờ báo.

Cùng thời gian này, Báo đổi khổ lên 42x58cm và xuất bản thêm tờ nguyệt san “Bắc Thái đầu tháng”; công tác tổ chức cũng có nhiều đổi mới, phóng viên được phân công theo ngành và địa bàn với phương châm: Không để sót sự kiện.

Từ ngày 1/1/1997, cùng với tỉnh Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Lúc này, Báo Thái Nguyên chia sẻ cho Báo Bắc Kạn 7 người, Tòa soạn chỉ còn lại 24 người, Báo nhanh chóng ổn định hoạt động trở lại.

Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: T.L
Phóng viên Báo Thái Nguyên cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: T.L

Đầu năm 2000, với tình cảm của cơ quan báo Đảng Trung ương, Báo Nhân Dân đã tặng Báo Thái Nguyên cỗ máy in cuốn với công suất 20.000 tờ/giờ để chủ động khâu in báo. Tòa soạn mạnh dạn huy động nguồn lực làm xưởng in, mua vật tư. Ngày 24/8/2000, số báo Thái Nguyên đầu tiên được in tại Nhà in của Báo, mở ra một thời kỳ mới cho Tòa soạn, đó là khép kín dây chuyền xuất bản. Báo bắt đầu có điều kiện tăng kỳ, là tiền đề để tiến đến phát hành nhật báo vào năm 2013. Có nhà in riêng, lại ứng dụng công nghệ truyền dẫn số rất sớm, từ năm 2001-2004, Nhà in Báo Thái Nguyên thực hiện in báo hằng ngày cho các báo Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, tăng nguồn thu cho Tòa soạn.

Năm 1997, Hiệp định về Internet được thông qua. Báo Thái Nguyên đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới: Không thể chỉ có báo in. Ngày 12/12/2001, Trang thông tin điện tử của Báo Thái Nguyên ra mắt bạn đọc với 15 chuyên mục. Đến tháng 3-2003, Thái Nguyên điện tử chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Đặc biệt, ngay từ rất sớm, Báo đã có trang truyền hình, bước đầu định hình tòa soạn phát triển theo hướng đa loại hình.

Ngày 30/5/2016, Trang thông tin điện tử của Báo Thái Nguyên chính thức được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động báo chí điện tử. Hiện nay, báo điện tử cập nhật 24/24 giờ với khoảng 60 tin, bài mỗi ngày bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, thu hút hàng trăm nghìn lượt độc giả.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, kịp thời nêu gương điển hình tiên tiến, đồng thời khích lệ những người làm báo chuyên và không chuyên, nhiều năm qua, Báo Thái Nguyên duy trì tổ chức 5 cuộc thi báo chí với các chủ đề: Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”; Vì an toàn giao thông Thái Nguyên và cuộc thi ảnh báo chí “Thái Nguyên - Góc nhìn cuộc sống”. Mỗi năm, các cuộc thi thu hút từ 450 đến 500 tác phẩm của nhiều đối tượng tác giả tham gia. Tòa soạn đã chấm, trao giải và lựa chọn những tác phẩm xuất sắc gửi tham gia các giải báo chí của Trung ương, các bộ, ngành và đều đoạt giải hàng năm. Đáng chú ý những năm gần đây, Tòa soạn đã được trao một số giải thưởng như: Giải A giải bìa báo Tết ấn tượng; Giải C giải báo chí về Xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng”; Giải C giải báo chí toàn quốc về công tác dân số; Giải C giải báo chí Vì an toàn giao thông quốc gia…

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Báo Thái Nguyên đã huy động mọi nguồn lực tổ chức xây dựng thành công tòa soạn điện tử theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Báo Thái Nguyên điện tử đã ra mắt APP và giao diện mới hiện đại, tiện ích, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập báo trên các thiết bị thông minh. 

Báo Thái Nguyên điện tử tăng cường thực hiện các chương trình đối thoại trực tuyến, tọa đàm, các phóng sự ảnh, video clip, E-Magazine, Infographic..., xem đây là một trong những lợi thế thu hút độc giả, bắt kịp xu hướng phát triển mới của báo chí hiện đại. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok để lan tỏa thông tin nhanh chóng, kịp thời định hướng dư luận, tạo tương tác tích cực với công chúng báo chí. Ngoài ra, Báo còn chú trọng triển khai các nhóm, tổ phóng viên cơ động, đa phương tiện thực hiện các tác phẩm báo chí hiện đại, đa dạng các thể loại, loại hình. 

Sáu thập kỷ làm báo, cả trong những ngày mưa bom bão đạn và trong giai đoạn hòa bình đã hun đúc, tôi luyện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Thái Nguyên thêm bản lĩnh, lòng yêu nghề và tính chiến đấu cần có đối với người cầm bút, để những trang báo hôm nay luôn mang hơi thở cuộc sống, giàu tính chiến đấu, xây dựng, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Cùng với công tác tuyên truyền, Tòa soạn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan và các đoàn thể vững mạnh. Đảng ủy tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí hiện đại. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Báo Thái Nguyên đã tổ chức lại bộ máy, củng cố nhân lực, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng lòng vì một Tòa soạn lớn mạnh.

Các hoạt động từ thiện, nhân đạo luôn được Báo Thái Nguyên quan tâm thực hiện. Mỗi năm Tòa soạn dành hàng trăm triệu đồng tham gia các chương trình an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ nhân đạo, địa chỉ từ thiện; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà nhân đạo cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.... Đặc biệt, từ nhiều năm nay, cơ quan Báo vinh dự nhận phụng dưỡng đến cuối đời Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Ruẩn, ở xã Bình Thành (Định Hóa)…

Với những đóng góp quan trọng của mình, Báo Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen cao quý. 

Hành trình 60 năm có thể là một chặng đường chưa dài, song đó là những năm tháng không thể nào quên đối với các thế hệ làm báo Báo Thái Nguyên, những người đã đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết để làm nên một Tòa soạn ngày càng lớn mạnh. Vinh dự và tự hào về chặng đường đã qua, những người làm báo Đảng tỉnh Thái Nguyên hôm nay nguyện một lòng tiếp bước các thế hệ đi trước, tiếp tục xây dựng Tòa soạn phát triển, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, là người bạn đồng hành thủy chung của công chúng báo chí, vì một nền báo chí Việt Nam “chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”.

Nhà báo NGUYỄN NGỌC SƠN, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên