Thị xã Thái Nguyên và ký ức những nẻo đường kháng chiến

Hữu Minh 12:35, 22/08/2022

Tuổi thơ, tuổi mục đồng của tôi gắn với thị xã miền trung du bụi bặm và ồn ào vì nó chính là một đại công trường xây dựng. Thu dọn, hàn gắn vết thương sau những năm tháng “Tiêu thổ kháng chiến”. Xây mới những nhà máy, những công trường, trụ sở, công trình văn hoá, dân sinh vì thị xã Thái Nguyên gánh vai thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Cạn; lại đóng vai tỉnh lỵ Thái Nguyên…

Quang cảnh thị xã Thái Nguyên sau “Tiêu thổ kháng chiến” (ảnh tư liệu, chụp trước ngày thực dân Pháp mở chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947).
Quang cảnh thị xã Thái Nguyên sau “Tiêu thổ kháng chiến” (ảnh tư liệu, chụp trước ngày thực dân Pháp mở chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947).

Lần lần, những Bảo tàng Việt Bắc, rạp chiếu bóng trong nhà, ngoài trời, Rạp hát Quyết Tiến cùng nào là Trường Thiếu nhi Vùng cao Việt Bắc, Bệnh viện đa khoa Việt Bắc; nào là những nhà máy của Khu Gang thép Thái Nguyên… mọc lên. Rồi tiếng còi tầu mỗi sáng, mỗi chiều lanh lảnh nơi ga Lưu Xá, Đồng Quang, Quán Triều…

Thị xã thay đổi diện mạo từng giờ, thay đổi đến chóng mặt… Con đường cắt ngang thị xã từ phố Đán, phố Phúc Trìu của huyện Động Hỷ tới Bến Oánh, Bến Tượng có tên gọi Kép Le trở lên chật hẹp. Thị xã không đủ tầm vóc để gánh sự đổi thay. Tên thành Phố Thái Nguyên ra đời ngày 19-10-1962 là thế… Cho dù vậy thì trong tôi thị xã Thái Nguyên nằm bên sông Cầu vẫn rất đẹp, rất thơ.

Ngô Thì Sỹ (1726-1780) và con ông là Ngô Thì Nhậm là những danh sỹ Bắc Hà, tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam, cách nay 300 năm được triều đình cử lên Thái Nguyên giữ chức Đốc Đồng, thấy bến tuần Đồng Mỗ đẹp, có bài Thái Nguyên tức cảnh, như sau: “Một dải non xanh trông xuống làn nước biếc/Chốn biên thành hiếm có cảnh đẹp này/Cửa hiệu buôn, phố người ở, nhà cái cao cái thấp/Sở thuế tuần, thuyền khách buôn ở trên, dưới là bến sông…”.

Trong Lịch triều Hiến chương loại chí có nói xứ này giầu đẹp từ cả nghìn năm nhưng phải đến năm Gia Long thứ 12 (1813), thủ phủ mới được chuyển từ Thiên Phúc (Sóc Sơn) lên khu vực Đồng Mỗ (Túc Duyên - Trưng Vương) bây giờ; và đến khi thành lập tỉnh Thái Nguyên vào năm Minh Mạng thứ 12, ngày 4-11-1831, thì nơi này là thủ phủ của tỉnh luôn.

Sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi: “Tỉnh thành đất bằng phẳng, rộng rãi, đường thuỷ bộ giao thông đều thuận tiện, chu vi tỉnh thành 545 trượng, cao 9 thước, mở 4 cửa, hào rộng 3 trượng sâu 5 thước, từ năm Tự Đức thứ 2, thành Thái Nguyên được xây bằng gạch…”

Những năm 1960-1980, do làm nghề báo, tôi được tiếp cận chuyện trò với khá nhiều cụ, là cư dân định cư ở thị xã trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp… Cụ chủ quán cà phê nổi tiếng Bùi Liên, vợ chồng ca sĩ cải lương Kim Oanh, cụ Nguyễn Thị Nhã (cụ cai bò)…

Câu chuyện về thị xã luôn là bất tận, nhưng trong mỗi câu chuyện thì kết vẫn: Nơi này là một miền đất đẹp, kiên cường, dễ sống, hiền hoà, ai đã ở nơi này đều ăm ắp kỷ niệm… Những chiều tha thẩn nơi con phố sầm uất có nhiều cửa hiệu, chợ trung tâm, rạp Quyết Tiến, cửa hàng Bách hoá dân tộc, dưới những hàng cây dã hương (long não) cổ thụ nghe chuyện xưa mà thấy bồi hồi khó tả…

                                                       ***

Trong khi khai thác tư liệu cho viết báo, tôi được tiếp cận 2 tài liệu quý: Cuốn nhật ký của Bộ trưởng Tài chính Chính phủ kháng chiến Lê Văn Hiến và cuốn sổ ghi cảm tưởng tại thị xã Thái Nguyên năm 1947-1949 của cán bộ, bộ đội, văn nghệ sĩ trên những nẻo đường kháng chiến qua đây.

Và tôi nghĩ sẽ rất bổ ích vì đó là một khúc bi tráng của “dòng sông” lịch sử, nên nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TP. Thái Nguyên dẫn ra đây vài cảm nghĩ tiêu biểu. Toát lên trong những dòng lưu bút, câu thơ, bức tranh là một thị xã đổ nát để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, là cuộc sống âm thầm mà anh dũng của quân và dân Thái Nguyên... Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo; nhân sĩ, trí thức… trên các nẻo đường kháng chiến đã qua đây và để lại cảm xúc.

Tôi xin trính một phần nhỏ, trong lưu bút đề ngày 7-5-1948, đồng chí Trường Chinh viết: “…Uỷ ban Kháng chiến hành chính thị xã có nhiệm vụ rất nặng nề. Làm sao cho nó xứng đáng với vai trò một đội du kích canh gác cho cửa ngõ Việt Bắc và một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi…”.

Bút tích đề ngày 2-9-1947 của đồng chí Vũ Văn Dĩnh ghi: “Đón lấy cuốn sổ vàng của ông Chủ tịch UBHC thị xã Thái Nguyên Đặng Đức Thắng trong lúc máu người Việt Nam đang sôi lên để quyết giành lấy độc lập và thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc, chúng ta hứa cùng nhau ngay trong hôm nay đem hết tâm lực ra để củng cố chính quyền, cùng nhau thực hiện được ước nguyện chung: Độc lập, thống nhất…”.

Cũng trong những ngày đầu kháng chiến, trong khi Pháp đang tấn công lên Việt Bắc, qua thị xã Thái Nguyên đổ nát, bác sĩ quân y Lê Văn Ố, Quân y Vụ trưởng khu 1 viết: “Dọc đường công tác vất vả của thời kháng chiến, khi đi qua thị xã Thái Nguyên, có một cảm tưởng ngạc nhiên và cảm kích. Ngạc nhiên vì ở một thị xã đã triệt để tản cư và phá hoại mà có một nơi ấm cúng, chan chứa tình đồng chí và chu đáo trong sinh hoạt cho khách, ân cần trong câu chuyện kháng chiến…”.

Nhạc sĩ Văn Chung và Phạm Duy từng công tác tại thị xã kháng chiến và có những dòng tâm sự chân thật, sâu lắng của người nghệ sĩ đi theo kháng chiến. Văn Chung viết: “Thái Nguyên hoang tàn vắng ngắt nhưng ngầm chứa một mãnh lực của những con người đất Thái, đang luyện tập ngày đêm sẵn sàng chiến đấu…”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy trong ngày 7-9-1947 cũng đã viết: “Kể từ ngày Quốc khánh đầu tiên, tôi đã 3 lần đến thị xã Thái Nguyên, lần này đâu đâu cũng là đống gạch, không còn thấy một nhà gác nào nữa, nhưng phần thấy chắc chắn vào ý chí và tình yêu của đồng bào ta vào chiến thắng…”.

Nguyễn Trịnh Sơn, Trung đoàn trưởng Cảm tử Quân khu 3 ngày 19-8-1947 đã viết những dòng xúc động sau: “Thị xã Thái Nguyên nay đã biến thành một nơi hoang vu, hoàn toàn phá huỷ; nhân dân thị xã Thái Nguyên đã biểu thị một tinh thần quả cảm, một sức mạnh đoàn kết vô song, quyết hy sinh để bảo tồn đất nước. Chúng tôi không sợ và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc độc như ý chí của người dân thái Nguyên…”.

Tướng Chu Huy Mân, lúc đó là Trung đoàn trưởng, ngày 22-9-1947, đã ghi: “Quân xung phong giết giặc; dân đoàn kết tăng gia; cán bộ nêu cao cần kiệm liêm chính. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Thống nhất độc lập nhất định thành công”.

Ông Đỗ Hồng Vũ, phái viên của Việt Nam Đồng hương Hội, về nước, lên chiến khu, ngày 6-4-1948 viết trong cuốn sổ thế này: “Tôi đã gặp Uỷ ban Kháng chiến hành chính thị xã Thái Nguyên với những nhân viên chăm chỉ, nhã nhặn… Lòng yêu nước rất cao của đồng bào tỉnh Thái Nguyên nhắc nhở cho tôi và kiều bào hải ngoại, bổn phận của con dân đất nước…”.

Thi sĩ Hoàng Cầm khi lên đây đã có cảm xúc mạnh, có lẽ ông đã trằn trọc nhiều đêm để viết trường ca Lửa Hồ với 182 câu, chép tay kín 6 trang cuốn sổ… Trong lưu bút đề ngày 25-4-1948, tác giả của bài thơ Bên kia sông Đuống nổi tiếng, viết: “Bên đống gạch vụn của TX Thái Nguyên tiêu thổ kháng chiến, tôi muốn ghi lại sức sống mãnh liệt vô cùng của dân tộc. Gạch ngói đã lên rêu, cây hoang trùm các ngõ, dưới các mái gianh chợ vẫn họp về đêm, bao nhiêu ngọn đèn là ngần ấy ngôi sao vàng. Sức sống thầm kín, sôi nổi, đơn sơ mà không kém huy hoàng…”.

Vâng! Thành phố Thái Nguyên đang bước vào thập niên thứ 7. Tất cả rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Nhưng những trang sử vẻ vang, những kỳ tích anh hùng phải được gìn giữ, nhắc nhớ. Tôi nghĩ vậy và xin có đóng góp nhỏ…

Hà Nội, mùa Thu 2022