Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 là nơi diễn ra những trận đánh kéo dài, ác liệt và hy sinh nhiều nhất của bộ đội ta. Suốt 39 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ngoan cường, đội quân cách mạng phải giành giật với địch từng tấc đất, từng mét chiến hào. Tại đây, đã có hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm xuống. Máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ yêu thương, làm nên huyền thoại...
Đồi A1 là cứ điểm kiên cố, thuộc hệ thống các cao điểm phòng ngự phía Đông của phân khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Di tích đồi A1 nhìn từ trên cao. |
39 ngày đêm huyền thoại
Đồi A1 (quân Pháp gọi là Eliane 2) nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một điểm cao có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ngọn đồi này cao hơn mặt đất 49m, rộng khoảng 80m, giáp với nhiều cứ điểm quan trọng khác, như: C1, C2, A2, A3 và cách Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri khoảng 500m theo đường chim bay. Đồi A1 chính là điểm cao trực tiếp che chở, bảo vệ cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, tại đây, địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, cùng nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại.
Quân Pháp chia cứ điểm đồi A1 làm 3 tuyến phòng thủ. Ngoài cùng là tuyến chủ yếu; tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực; tuyến trong cùng ở mỏm đồi cao nhất là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Bên ngoài đồn có 5 lớp rào dày trên 100m, xen kẽ nhiều mìn. Ngoài lực lượng tinh nhuệ tại chỗ, địch sẵn sàng chi viện lớn cho cứ điểm này bằng lực lượng cơ động với sự yểm trợ đắc lực của xe tăng và pháo binh…
Hầm chỉ huy cứ điểm của quân Pháp tại đồi A1. |
Về phía ta, Sở chỉ huy chiến dịch xác định, để giải phóng Điện Biên, phải đánh chiếm bằng được cứ điểm đồi A1. Trung đoàn 174, thuộc Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được giao trọng trách tiêu diệt cứ điểm quan trọng này.
Cuộc chiến đấu tại đồi A1 bắt đầu từ chiều ngày 30/3/1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng ngách hào. Địch liên tục phản kích, các trung đoàn của ta đánh công kiên nhiều ngày nhưng chỉ chiếm được một phần đồi A1. Thời điểm quyết định số phận của cứ điểm A1 là 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 khi khối bộc phá 1.000kg được chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch điểm hỏa và cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954 quân ta đã làm chủ hoàn đồi A1, kết thúc trận quyết chiến chiến lược tại điểm cao phòng ngự then chốt của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chứng tích hào hùng còn mãi với thời gian…
Trong những trận chiến tại đồi A1 đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân ta. Đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh vừa chỉ huy các cánh quân, vừa trực tiếp cùng chiến sĩ dùng lựu đạn, súng trường, tiểu liên và cả súng ngắn chiến đấu. Bị thương đến lần thứ bảy, ông vẫn tự băng bó và tiếp tục vừa chỉ huy, vừa đánh địch, cùng chiến sĩ của mình quyết bảo vệ trận địa. Hay như, Chính ủy Lê Linh tự mình vác bộc phá dẫn đầu một tiểu đội vận tải vận chuyển vũ khí vào trung tâm cứ điểm. Đặc biệt là tấm gương anh dũng, táo bạo, linh hoạt, sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ của đồng chí Chu Văn Mùi, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội thông tin 127…
Để cắt đường tiếp viện của địch lên đồi A1, lô cốt cây đa cụt được Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 tiêu diệt lúc 1 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. |
Tấm bia đặt ở khu di tích đồi A1 có ghi: “Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận oanh liệt nhất của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ… Cán bộ, chiến sĩ ta đã nêu cao gương chiến đấu hy sinh, dũng cảm ngoan cường tranh chấp với địch từng ụ súng, từng chiến hào. Qua 39 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã 5 lần tổ chức tấn công đánh bại 30 đợt phản kích của địch”.
Theo lời hướng dẫn viên Bạch Thị Hoàn, cán bộ của Điểm di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ: Hơn 2.500 chiến sĩ của ta đã hy sinh anh dũng trong các trận đánh tại đồi A1. Máu xương của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây. Cho đến ngày nay, trên cứ điểm A1 vẫn còn hài cốt của nhiều liệt sĩ mãi nằm yên nghỉ trên mảnh đất này, trong lòng đất mẹ yêu thương, và mãi là một phần của A1 linh thiêng, huyền thoại về khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng.
Tiếng súng đã dứt trên đồi A1 tròn 70 năm qua, ngày nay, khi đến thăm khu di tích đồi A1, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn sót lại của trận đánh ác liệt năm xưa, như: Hố bộc phá tạo ra từ khối thuốc nổ ngàn cân làm lung lạc ý chí của kẻ thù; hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên trên đỉnh đồi, lô cốt cây đa cụt - “ụ thằng người” và hệ thống lô cốt của quân Pháp từng được coi là “bất khả xâm phạm”…
Đặc biệt, nơi đỉnh đồi A1 hôm nay, bên cạnh đài tưởng niệm vẫn còn nguyên chứng tích là xác của chiếc xe tăng Bazeille mà Pháp điều từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Thế nhưng, nó đã bị 4 chiến sĩ của chúng ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954, khiến Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3. Một ngôi mộ tập thể được xây dựng ngay cạnh chiếc xe tăng Bazeille. Dù vô danh, không dòng tên họ nhưng linh hồn các chiến sĩ đã được yên giấc ngàn thu cùng non sông đất nước.
Những ngày tháng 5 lịch sử, dòng người từ khắp nơi lại đổ về thăm di tích đồi A1 để cảm nhận sự hy sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh và mãi tự hào về Tổ quốc. |
Những ngày tháng 5 lịch sử, cùng với đoàn du khách thập phương về thăm di tích đồi A1, chúng tôi đến bên ngôi mộ chung của 4 liệt sĩ vô danh, thành kính thắp nén tâm nhang, nguyện khắc ghi công lao của những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có được nền độc lập, tự do cho Tổ quốc hôm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin