Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 05/2018/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Trong đó nêu rõ yêu cầu cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Cụ thể, việc cắm mốc chỉ giới phải căn cứ vào phạm vi bảo vệ, hiện trạng công trình và yêu cầu quản lý. Trường hợp không thể cắm mốc chỉ giới thì dùng mốc tham chiếu để thay thế; trường hợp mốc chỉ giới cần cắm trùng với mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, mốc của công trình khác được cắm trước đó thì coi mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hoặc mốc của công trình khác là mốc tham chiếu.
Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới:
1- Đập của hồ chứa nước có dung tích từ 500.000m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10m trở lên;
2- Lòng hồ chứa nước có dung tích từ 500.000m3 trở lên;
3- Kênh có lưu lượng từ 5m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5m trở lên, trừ kênh chìm;
4- Cống có tổng chiều rộng thoát nước từ 10m trở lên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ 5m trở lên với các vùng còn lại.
Quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng
Thông tư quy định, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng do tổ chức thủy lợi cơ sở trực tiếp quản lý, khai thác hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác. Loại hình tổ chức thủy lợi cơ sở; phương thức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ được quyết định khi 75% thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở thông qua.
Trường hợp tổ chức thủy lợi cơ sở không trực tiếp quản lý, khai thác thì lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý, khai thác theo hình thức giao quản lý hoặc đấu thầu. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực theo quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
Trường hợp thuê quản lý, khai thác thì thời hạn của hợp đồng quản lý, khai thác không quá 5 năm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.