Hoa râm bụt và cây đa Bác Hồ ở Thủ đô gió ngàn

15:22, 07/05/2007

Tiếng chim hót líu lo sáng ấm rừng cọ, đồi chè. Bà Ma Thị Tôm, người sắp lễ nhà tưởng niệm Bác, đưa chúng tôi lên đồi Tỉn Keo thăm căn lán vầu, cọ đơn sơ dưới tán rừng xanh.

Tại nơi đây, vào tháng 9 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Bộ Chính trị thông qua chủ trương kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (6/12/1953)


Vầng hoa râm bụt cổ thụ Người trồng trước lán tốt tươi, thắm ngời hoa đỏ.
- Vì sao hoa râm bụt trong vùng Định Hóa được mọi người gọi là "Hoa râm bụt Bác Hồ".



+ Bác ở đây đầu tiên vào năm 1948 - Giọng nhỏ nhẹ như gió thoảng rừng chiều, bà Tôm nhớ lại thủa mười chín đôi mươi cùng chồng là Lương Đình Nam làm "hàng xóm" Bác Hồ, được anh trai Lương Đình Chanh - chủ tịch UBHCKC xã Lục Giã (nay là xã Phú Đình) cho biết "ông Ké" là Bác Hồ. Thấy Người tập thể dục, trồng rau, chăm bờ hoa râm bụt. Những lúc Bác chuyển đi vài ba tháng mới trở lại, bà trông coi nhà, chăm bón vườn rau muống, cải soong Bác trồng ven suối, bà con xin giống "Hoa dâm bụt Bác Hồ" về trồng như thấy bóng dáng Bác ngày nào...
Bác Hồ - biểu tượng trồng người, trồng cây
Sinh thời đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác Hồ tâm sự với nhà văn Sơn Tùng, một thương binh nặng dành cả cuộc đời nghiên cứu về Bác:
- Bác Hồ là biểu tượng của Trồng người trồng cây.
Bác nói "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". ở An toàn khu (ATK), Định Hóa, khi sang Võ Nhai, hoặc Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), hay Nghĩa Tá, Bình Trung (Chợ Đồn - Bắc Kạn), Bác trồng bầu, bí, mướp, "thả" cải soong ven bờ suối... hoặc trồng ngô, vừa để cải thiện bữa ăn, vừa có màu xanh no ấm, nếu di chuyển đi thì người khác đến ở sẽ có rau quả mà ăn.


Triệu Đình Lệ ở xóm Roòng Khoa, con ông Triệu Đình Quân chủ nhiệm Việt Minh, người phụ trách 9 đảng viên dựng nhà sàn cho Bác ở đồi Khau Tý, chủ nhà đồng chí Hoàng Quốc Việt ở, làm việc (1948) kể: Bác Việt trồng được vườn bí to, hái vài quả nhờ thư ký cuốc bộ 4, 5 km, mang sang lán Tỉn Keo biếu Bác Hồ, Bác gửi tặng thơ:
"Ăn quả nhớ người trồng cây
Cảm ơn chú Việt, bí này còn non"
Bác nhắc nhở đừng vội hái quả non, nhưng "trồng người" thì phải dạy dỗ ngay từ khi còn nhỏ.
Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Mạnh Đàn, nguyên chỉ huy trung đội bảo vệ Bác Hồ ở Định Hóa cùng bà Tôm, ông Ma Viết Tục, bà Nguyễn Thị Vân lên thăm di tích "Trại thiếu nhi Bác Hồ" ở Nà Lọm, nơi có sân mà "bộ đội Đàn" vẫn ... tập võ ở bên suối Khuôn Tát. Vào tháng 7 năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng lan rộng, nhiều trẻ em chạy giặc, tan tác, lạc gia đình, không biết tin bố, mẹ ra sao, một số chạy dạt lên các nhà thờ chúa ở Phú Thọ. Bác Hồ đọc báo biết chuyện, giao cho anh Vũ Kỳ cùng anh Chung đi tìm, đón đem về gần cơ quan. Không xin thêm tiền Chính phủ, làm lán trại cho các em bên xóm Nà Lọm, Bác cùng mọi người tự nguyện bớt khẩu phần ăn, trồng sắn, nuôi lợn, gà... 35 em trong đó có 10 em gái, các em từ 6 - 11 tuổi, anh Tạ Quang Chiến, chị Chinh (vợ anh Vũ Kỳ) được cử ra nuôi dạy các em.


Ma Thị Hán cô gái Tày xinh đẹp, hướng dẫn viên di tích tiết lộ: Vài năm nay, cứ vào dịp sinh nhật Bác lại được đón các thành viên "Trại thiếu nhi Bác Hồ", nay đều ở độ tuổi trên 70, hành hương về nguồn. Nơi Bác ở, Bác thích trồng cây râm bụt. Bác nhắc anh em cơ quan: "Ngoài làng thì trồng cây đa, trong nhà trồng cây râm bụt".

Tại quê Bác ở làng Kim Liên, bờ hoa râm bụt không chỉ xanh ngát cổng, hai hàng lối vào nhà. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra người dân còn sử dụng hoa, lá, vỏ và rễ làm thuốc, chữa kiết lị lâu ngày không khỏi, đại tiện ra máu mủ, tiêu độc, mẩn ngứa, chữa quai bị......
Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha...


Nhà văn Sơn Tùng kể lại: Một hôm theo cụ Nguyễn Sinh Khiêm, về nhà thờ họ ngoại, lên động Tranh thắp hương phần mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan. Cụ Khiêm thổ lộ: "Ba chị em bác đều cắt rốn, chôn nhau sau căn nhà ở góc vườn kia, có bờ râm bụt bao quanh, ngăn cách mảnh sân với mảnh vườn đằng trước, lúc em Bác còn ẵm ngửa, mẹ sai chị Thanh hái hoa râm bụt dùng chỉ treo lơ lửng, đung đưa dỗ em..., anh em bác tha thẩn bên bờ hoa râm bụt từ bên vườn nhà mình sang bên vườn ông bà ngoại. Em bác (Bác Hồ khi còn bé) tách cánh hoa râm bụt dán lên má khoe: "Em có má hồng "... Ngày vào kinh đô Huế, nhà có vườn rộng, bờ rào râm bụt và chè mạn hảo..., một hôm anh em bác dựng màn tuồng "Tiết Cương phá Tiết khâu phần", cùng dám học trò thụ giáo cha bác dùng nhựa cây ruối, dán cánh hoa râm bụt vào má, vào trán, vào cằm, hóa trang vai tướng trung, mặt đỏ, dùng mực nho vẽ mặt oai nịnh thần, vai ác. Diễn xong, anh em bị ngứa, gãi sưng tấy cả da mặt, mẹ bác bắt hai anh em nằm vào giường để ăn roi mẹ phạt thì em bác thưa: "Mẹ ơi, con được mẹ cho cầm hoa râm bụt chơi, mẹ nói hoa này hiền như Bụt, hoa lòng mẹ thì con mới dán hoa lên mặt"..... Mẹ Bác phì cười: Hoa râm bụt hiền, nhưng nhựa cây ruối nó dữ.


Vũ Kỳ - "người Tiểu đồng của Bác Hồ " nhớ lại, ngày ở ATK Định Hóa "Thủ đô kháng chiến", giờ nghỉ việc Bác cùng chăm sóc vườn rau, bờ râm bụt. Có cuộc họp Bộ Chính trị tại Tỉn Keo, Bác thức khuya chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị bàn định. Các anh: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt đi bằng ngựa đến. Bác dặn: Anh em làm cỏ vườn, xén bờ râm bụt để lại cho ngựa ăn. Bác tâm sự, các cụ ta hay dùng diễn tích bên Tàu để tưởng nhớ cha mẹ, như truyện Kiều: "lòng còn gửi áng mây hồng", với cái tích một ông quan đời nhà Đường đi công cán, lòng nhớ cha mẹ. Khi qua núi Thái Hàng, ông trèo lên cao nhìn về quê nhà, qua những tầng mây trắng mà tưởng được nhìn thấy cha mẹ.... Nhưng của ta có thiếu gì những cái hay, cái đẹp, giản dị mà sâu sắc: "Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm".

Hơn 35 mùa xuân xa quê nhà, Bác chỉ dành được có ít phút nghỉ trưa (27-10-1946) gặp chị ruột Nguyễn Thị Thanh từ quê ra Hà Nội thăm, Bà Thanh vừa gọi vừa ôm lấy Bác:
- Cậu, cậu, cậu khoẻ không ?.
Bác khóc... Bà Thanh hỏi:
- Cậu đi lâu thế có nhớ quê hương không ? còn nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát ru bài ru non nước không ?.
Bà Thanh khóc. Bác nói:
- Quê hương nghĩa nặng tình sâu, ở nước ngoài, đêm khuya thanh vắng, bỗng chốc nhớ lời ru con của người mình, lòng dạ em thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con.
Một tuần sau, cũng vào giờ nghỉ trưa (ngày 3-11-1946), tại Bắc Bộ Phủ, anh cả Khiêm ôm lấy Bác Hồ: Chú Cung, chú Cung (tên Người hồi bé) chú có khoẻ không ?. Chòm râu Bác Hồ rung rung chạm vào má bác cả Khiêm. Bác hỏi thăm sức khoẻ anh, chị Thanh. Bác Khiêm trả lời: "Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày, bà con ai cũng đến hỏi thăm ". Bác Khiêm bảo cháu Nguyễn Sinh Thọ biếu chú mấy quả cam Xã Đoài. Bác Hồ cười rất vui...

Khi anh Nguyễn Sinh Khiêm tạ thế (1888 - 1950) tại làng Kim Liên ngày 15/10/1950 thọ 62 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh được tin anh mất, từ chiến khu Việt Bắc không về được, Người gửi điện cho Uỷ ban HCKC Liên khu IV nhờ chuyển cho làng Kim Liên:
"Nghe tin anh cả mất lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà để lo việc nước".

Ngày 9/1/1950
Hồ Chí Minh

Luật sư Phan Anh "được gần Bác ở Thủ đô gió ngàn". Trong khi chờ cuộc họp mặt các thành viên hội đồng Chính phủ ở ATK Định Hoá (1950), bên bếp lửa hồng, Bác nói:
- Thật là ấm cúng
Tôi thưa với Bác:
- Đúng vậy, ấm lửa hồng, nhưng trước hết là ấm tình người.
Bác vui, bảo tôi:
- Nếu có thím ở đây hay chú về với thím thì còn ấm hơn nhiều.
Nhân thấy Bác nói chuyện gia đình, tôi tranh thủ hỏi:
- Thưa, sao Bác không lập gia đình ?
Bác cười:
- Chú tưởng tôi là ông thánh hay sao ? như mọi người, tôi cũng quý cuộc sống gia đình lắm chứ.
Tôi xúc động, nghĩ thương Bác và càng thêm thấm thía đức hy sinh lớn lao cả cuộc đời Bác cho đất nước, cho dân tộc
Tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng vợ Đặng Bích Hà và con trai Võ Điện Biên trở lại chiến khu xưa. "anh Văn" bồi hồi ngước lên tán lá rừng xanh, bên căn lán Tỉn Keo vầu, cọ đơn sơ, tôi chớp được kiểu ảnh bên đồng đội, vợ con, Đại tướng tựa vào vầng hoa râm bụt cổ thụ Bác trồng ngày nào, với nụ cười tươi tắn: Sau hai cuộc kháng chiến, tôi trở lại Tỉn Keo, quanh nền nhà cũ, hàng bông bụt vẫn đơm hoa...
Nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm


Theo chân Bác, tôi thấy mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc số 108 giữa biên giới Việt - Trung về Pác Bó - lãnh đạo phòng trào cách mạng. gần núi Mác, suối Lê-nin có bóng đa, hoà quyện với sắc áo chàm của người dân Pác Bó. Về Tân Trào, 21-5-1945, nơi làm việc của Bác có mái đình Hồng Thái và cây đa Tân trào...

Nếu tính từ ngày Người lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước(1911), đến những ngày Bác sống ở căn cứ địa Việt Bắc (1941-1945) và (1947 - 1954) ngót 43 năm trời sống xa quê nhà, người thân. Với ngọn cây đa và bờ hoa râm bụt, Người chẳng đã đầy vơi nỗi nhớ quê hương, gia đình đó sao ?
Trên chặng đường "Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi", các địa điểm Bác ở đồi Khau Tý và Khuôn Tát (ATK Định Hóa), đồi Nà Pậu, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn)... đều có cây đa.


Chúng tôi tìm đến đồi Khau Tý - "phủ Chủ tịch" đầu tiên của Bác Hồ (20/5/1947) tại xã Điềm Mặc, nơi Người nhắc nhở Ma Đình Tương, chủ tịch UBHCKC huyện Định Hóa: "Từ tôi là chủ tịch nước đến ông chủ tịch xã đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân"

Từ đây Bác hoàn thành cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc" với bút danh X.Y.Z cho cán bộ, đảng viên về phê bình, sửa chữa, cải cách hành chính, tu dưỡng đạo đức cách mạng, cách lãnh đạo... Trong lúc quân Pháp bao vây, đánh lên căn cứ địa Việt Bắc, dưới tán đa, bên cây trám và vầng hoa râm bụt mới lên xanh, với một bản lĩnh kiên định, sáng suốt lúc nguy nan, Người làm bài thơ "Cảnh khuya" nổi tiếng:
Từ gia đình truyền thống, văn hoá dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại hun đúc nên một Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc.
Như lời Người: "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi", di tích, hoa râm bụt, cây đa Bác Hồ ở "Thủ đô gió ngàn" giúp ta hiểu thêm đời sống tình cảm của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, vị thánh hiền của tự do.