Triển lãm ảnh Di sản thiêng liêng (Sacred Legacy) được tổ chức từ 4-16/6 tại 31 Tràng Thi (Hà Nội), vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ.
Khá nhiều bức ảnh trong triển lãm Di sản thiêng liêng là chân dung cận cảnh miêu tả những gương mặt đầy biểu cảm của thổ dân da đỏ - đủ cả nam phụ lão ấu...
Ấn tượng mạnh là các chiến binh, các vị tộc trưởng với nét mặt được coi là biểu tượng cho cả một tộc người.
Năm 1906, khi đang là một nhà nhiếp ảnh thành công (chủ nhân của phòng ảnh đầu tiên tại Seattle), Edward Curtis bắt đầu công cuộc ghi lại một lịch sử đang biến mất trước mắt ông: Lịch sử của tộc người da đỏ.
Sau 1/4 thế kỷ “giao du” với dân da đỏ, Curtis đã đem về 50 nghìn phim âm bản, sau này làm thành bộ sách Thổ dân Bắc Mỹ - 20 tập gồm hơn 2.200 bức ảnh gốc. Ông cũng quay phim và ghi lại ngôn ngữ, âm nhạc của người da đỏ...
Vài chục năm trở lại đây, tác phẩm của Curtis ngày càng có giá. Ngày nay, giá của một bộ ảnh về thổ dân Bắc Mỹ lên tới hơn 1 triệu đôla, cao hơn 1.000 lần so với giá bán ra vào những năm 1960.
Bộ sách Thổ dân Bắc Mỹ được coi là một đóng góp vô giá cho nghệ thuật nói chung và các lĩnh vực nhiếp ảnh, dân tộc học và làm sách mỹ thuật, nhưng gần như đã... giết chết Curtis.
Ông đã mất hết gia đình, tiền bạc và sức khỏe... cho việc theo đuổi “giấc mơ vĩ đại” của mình (ông từng nói: “Đó là một giấc mơ vĩ đại mà tôi không thể nhìn thấy hết”). Ông phá sản vào năm 1930 và sống trong nghèo túng cho đến khi mất vào 1952.
Các bức ảnh trong triển lãm này rút ra từ bộ sưu tập về Curtis lớn nhất thế giới với hơn 4000 bức. Chủ nhân của bộ sưu tập Christophe Cardozo mở hẳn một Cty để quản lý di sản của Curtis.
Trong 5 năm qua, Cardozo đã tổ chức 2 triển lãm ảnh của Curtis tại châu Âu đều được đón nhận nồng nhiệt. Buổi khai mạc tại Paris đã phá vỡ kỷ lục về số người tham dự trong suốt 20 năm qua tại viện bảo tàng nơi trưng bày.