Chủ nhật cuối tuần qua, xác ướp Tutankhamun - vị pharaoh trẻ nhất và nổi tiếng nhất trong các vị hoàng đế Ai Cập – đã được các nhà khoa học mở khăn liệm và đây là lần đầu tiên sau 3.300 năm, công chúng có dịp trực tiếp “diện kiến” nhân vật huyền thoại gắn liền với một “lời nguyền” đã thêu rệt lên bao điều kinh hoàng.
Tutankhamun, được gọi tắt là Kinh Tut (Vua Tut), là pharaoh trẻ nhất của các triều đại Ai Cập cổ đại, lên ngôi từ năm tên 9 tuổi và qua đời khi chỉ mới 19 tuổi (năm 1323 trước công nguyên). Vậy mà Kinh Tut lại được nhiều người biết đến hơn cả những hoàng đế Ai Cập giàu quyền lực và vĩ đại như Cheop hay Ramsess II.
Người khiến Tutankhamun nổi tiếng như vậy là một nhà khảo cổ người Anh: Howard Carter. Năm 1922, ông gây chấn động thế giới khi phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun, vì đó là mộ vua duy nhất từ trước tới nay hầu như còn nguyên vẹn được tìm thấy ở Thung lũng các vị vua ở Luxor - nơi chôn cất các hoàng đế Ai Cập. Trong hơn 3.000 năm qua, gần như tất cả các mộ ở thung lũng này đều đã bị bọn trộm cướp đào khoét.
Vì lăng mộ còn nguyên vẹn, Tutankhamun lại trị vì trong triều đại được coi là phát triển rực rỡ và hùng mạnh nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại, nên gần 5.000 đồ tạo tác, trong đó có nhiều đồ bằng vàng ròng, được tìm thấy cùng xác ướp của vị vua trẻ tuổi này thực sự là một kho báu khổng lồ, khiến cả thế giới kinh ngạc và giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm rất nhiều về lịch sử Ai Cập thời đó.
Một lý do khác khiến Tutankhamun trở nên nổi tiếng là trong lăng mộ của ông người ta còn tìm thấy dòng chữ khắc: "Kẻ nào phá vỡ giấc ngủ bình yên của Nhà Vua, kẻ đó sẽ phải chết".
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đã xảy ra: Lord Carnarvon, người tài trợ cho cuộc khai quật của Howard Carter và cũng là một trong những người đầu tiên chui xuống lăng mộ, bỗng nhiên chết chỉ gần một năm sau đó. Tiếp đấy là một loạt cái chết bí hiểm của những người xa gần liên quan đến cuộc khai quật, khiến báo chí rầm rộ cho rằng "lời nguyền" của Tutankhamun đã "báo ứng".
Mặc dầu cái chết của Lord Carnarvon về sau được xác định là do ông bị muỗi cắn dẫn tới nhiễm trùng huyết và một số người tham gia khai quật bị bệnh tật dẫn tới tử vong có thể là do tiếp xúc với khí độc và những vi khuẩn trong các lăng mộ, song vẫn có không biết bao nhiêu điều được thêu dệt liên quan đến "lời nguyền" của Tutankhamun, thậm chí được thể hiện trong văn học và đặc biệt trong phim ảnh: Năm 1932, tức là chưa đầy 10 năm sau cái chết của Lord Carnarvon, Hollywood đã dựng bộ phim Xác ướp (The Mummy) với diễn viên chính Boris Karloff. Từ đó đến nay, chủ đề này vẫn thường xuyên được khai thác, chẳng hạn như gần đây là các bộ phim Xác ướp Ai Cập với Brendan Fraser đóng vai chính.
Tò mò về gương mặt thật của Tutankhamun
Cũng chính vì sự nổi tiếng này, trong những thập kỷ qua đã có rất nhiều cuốn sách viết về Tutankhamun. Người ta còn tò mò tìm cách tái tạo bộ mặt của Tutankhamun, bằng cách dựa trên các ảnh X quang (như các nhà khoa học Anh và New Zealand đã thực hiện) hay bằng công nghệ chụp cắt lớp CT, như các nhà khoa học Pháp, Mỹ và Ai Cập đã làm cách đây hơn 2 năm. Sự tái tạo này xác định Tutankhamun là một vị vua trẻ trung, hơi mảnh dẻ, cao khoảng 1,67 mét, má bầu bĩnh, cằm tròn, tương tự như chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng của ngài.
Dường như thế vẫn chưa đủ, hôm chủ nhật vừa qua các nhà khoa học còn quyết định mở tấm băng liệm xác ướp của vị vua trẻ qua đời cách đây 3.300 năm để cho công chúng trực tiếp chiêm ngưỡng. Mặc dầu do thời gian, xác ướp đã xám đen, nhưng rõ ràng đó không phải là một vị vua có lời nguyền khủng khiếp như người ta vẫn đồn đại.
"Cái mà các bạn nhìn thấy là một gương mặt đẹp", Mustafa Wazari - Giám đốc quản lý các lăng mộ Vua ở Luxor, cho biết. “Đó là một anh chàng điển trai, có vẻ mặt tươi cười dễ mến và hàm răng khỏe mạnh".
Khi ra mắt công chúng, xác ướp vua Tutankhamun sẽ được đặt trong một chiếc lồng kính ở nhiệt độ ổn định để tránh ảnh hưởng của khí hậu và sự tấn công của các loài vi khuẩn.