Văn hoá áo yếm

03:47, 16/12/2007

Áo yếm xuất hiện từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng nó đã xuất hiện trong đời sống của người dân Việt từ rất lâu và trở thành một thứ trang phục không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Áo yếm được phụ nữ Việt Nam thuộc mọi tầng lớp trong xã hội từ các tôn nữ, mệnh phụ, công nương chốn cung đình; các tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những cô thôn nữ, những phụ nữ bình dân tần tảo một nắng, hai sương vì chồng, vì con; cùng với chiếc áo tứ thân, áo yếm theo chị em đến với hội hè đình đám.

Xưa kia, áo yếm được gọi nôm na là cái yếm. Đó là thứ trang phục đã có từ bao đời nay và vẫn còn giữ được cho đến hôm nay. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm ra đời là để tôn lên vẻ đẹp “cái lưng ong” vốn được xem là một nét đẹp của của người phụ nữ trong văn hoá Việt Nam “Đàn bà thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con”.

Cái yếm xuất hiện từ rất lâu trong cuộc sống của người dân Việt Nam nhưng mãi tới đời nhà Lý nó mới định hình về cơ bản. Nó là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, được dùng như một dạng áo trong để che ngực. Cùng với dòng chảy thời gian, cái yếm không ngừng biến đổi, nâng cao tính thẩm mỹ qua mỗi lần cải tiến, mẫu mã ngày càng phong phú. Khi ở nhà, không phải công việc đồng áng, họ thường mặc yếm trắng, váy đen buông chùng, để hở lưng, hai cánh tay, đôi vai. Khi ra đường, họ mặc thêm áo cánh, phủ ngoài là áo dài có thắt lưng tôn vẻ đẹp của cái lưng ong. Đi chơi hội, du xuân, đàn bà, con gái mặc yếm với nhiều màu sắc rực rỡ hơn ...

Áo yếm không chỉ đơn giản là thứ trang phục của người phụ nữ xưa mà còn có những ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như nghệ thuật. Cái yếm đã đi vào những câu ca dao, tục ngữ, những câu thơ lãng mạn, những câu chuyện tình vương vấn với những mảnh yếm thắm lụa đào làm ngơ ngẩn lòng người.

Hình ảnh chiếc Yếm đã để lại bao nuối tiếc, ngợi ca trong lòng các thi nhân ở mọi thời. Không chỉ thơ ca dân gian, mà những nhà thơ của thời hiện đại đều “phải lòng” yếm. Yếm trở thành ngôn ngữ của tính nữ ở người con gái Việt, và đã trở thành ngôn ngữ trao gửi tình yêu. Lãng mạn trong các câu ca dao, chiếc yếm ấm áp tình người đã trở thành hình ảnh đẹp, trong sáng của tình yêu “Trời mưa, trời gió kìn kìn/Đắp đôi giải yếm hơn nghìn chăn bông”. Tình yêu thật kỳ diệu biết bao. Chỉ một “đôi giải yếm” thôi cũng đủ sưởi ấm lòng người vượt qua sự giá lạnh của mùa đông. Và “Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Chiếc cầu dải yếm không có trong thực tế nhưng lại là chiếc cầu đẹp nhất và gợi cảm nhất trong ca dao. Ý nghĩ đó thật táo bạo nhưng cũng thật đằm thắm và đầy nữ tính. Ở đây, chiếc yếm trở thành biểu tượng cho khát vọng tình yêu mãnh liệt của những chàng trai, cô gái lao động xưa. Chiếc yếm còn là cái cớ cho các chàng trai tỏ tình “Hỡi cô mặc áo yếm đào/Đi trong đám hội có chồng hay chưa?”. Chiếc yếm còn là nỗi nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê “Mình về mình có nhớ chăng/Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình/Ta về ta cũng nhớ mình/Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”. Nữ sĩ Xuân Hương của chúng ta đã hoạ bức hoạ bằng thơ hình ảnh thiếu nữ với chiếc yếm đào nửa thực, nửa ảo “...

Lược trúc biếng cài trên mái tóc/Yếm đào trễ xuống dưới nương long/Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/Một lạch đào nguyên suối chửa thông” đã làm cho chàng quân tử dùng dằng đi chẳng dứt...

Ý nghĩa biểu cảm của chiếc yếm cũng giống như cái duyên đằm thắm, mặn mà của người con gái. Chiếc áo yếm còn ẩn chứa trong nó biết bao nhiêu tình ý “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/Em có chồng rồi trả yếm cho anh/Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi”. Tình yêu không cập được bến bờ hạnh phúc; chiếc áo yếm như lợi ước hẹn nay đã thành lỗi hẹn. Sự trách móc mang chút dỗi hờn chưa dứt giữa hai người. Dải yếm mong manh không thể níu người ở lại nhưng cũng đủ làm vương vấn một chút tình...

Áo giao lãnh, yếm thắm, váy mùa non thô nhuốm bùn tạo nên một nét đẹp rất riêng, rất truyền thống Việt Nam. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Bính đã đau khổ khi thấy “em đi tỉnh về”: “Nào đâu chiếc yếm lụa đào/Chiếc khăn lưng đũi nhuộm hồi sang xuân”, để rồi nhà thơ phải cất lời thơ “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/Như hôm em đi lễ chùa/Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”...

Thời gian không ngừng trôi, con người mang theo cuộc sống luôn luôn chuyển động nhưng sự độc đáo và đặc sắc của áo yếm dường như là một vẻ đẹp vĩnh hằng. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, người ta không còn mặc yếm nữa nhưng không phải vì thế mà giá trị nghệ thuật và vẻ đẹp của nó bị mất đi. Nó vẫn xuất hiện trong các dịp lễ hội, trong những bộ trang phục cách tân dựa trên hồn của những chiếc áo yếm luôn đày sự khám phá và sáng tạo. Chiếc áo yếm vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tác của thơ ca hiện đại và các nhà tạo mẫu và nó sẽ trường tồn như một nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.