Festival Tây Sơn-Bình Định: Góp mặt nhiều nhà nông

08:10, 28/07/2008

Lễ hội làng nghề trong khuôn khổ Festival Tây Sơn - Bình Định có 34 làng nghề truyền thống và 40 cơ sở làng nghề của 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Định tham gia với 100 gian hàng đạt tiêu chuẩn. Chiếm đa số trong đó là các làng nghề truyền thống từ các vùng nông thôn và các nghệ nhân là không ai khác chính là những người nông dân chân lấm tay bùn

Có thể nhận thấy nhiều sản vật đặc trưng của Bình Định thu hút sự quan tâm của công chúng như rượu Bàu Đá, gỗ mỹ nghệ, nón lá, đúc đồng, nghề gò cồng chiêng ở huyện An Nhơn; những chiếc chiếu được làm bằng cói và võng bằng dây trân ở huyện Tuy Phước; nghề làm trống da ở Tây Sơn; nghề dệt thổ cẩm ở Vân Canh; nghề đan gùi...

 

Dạo qua các gian hàng làng nghề truyền thống, thấy vui khi giữa lễ hội lớn, hiện đại, những sắc màu  đậm nét làng quê chẳng hề kém chị, kém em. Tại gian hàng của Cơ sở sản xuất trống “Hùng” ở Mỹ Yên (Tây Sơn), có thể thấy nhiều thông tin thú vị: “Những người đang hành nghề làm trống chúng tôi là hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ làm trống nổi tiếng được hình thành từ thời vua Quang Trung. Thuở ấy, tổ tiên chúng tôi chuyên làm trống trận phục vụ nghĩa quân Tây Sơn, còn bây giờ, chúng tôi đang ra sức làm các loại trống để bán cho chùa chiền, các đoàn tuồng hát bội, trường học... Sản phẩm của chúng tôi là trống sấm, trống chầu, trống kinh, trống chiến... Sau khi xong mùa vụ, cả gia đình chúng tôi tập trung vào làm trống để cải thiện đời sống”.

 

Tại gian hàng trưng bày sản phẩm được làm bằng nguyên liệu lấy từ rừng núi, ông Đinh Văn Nhông, người dân tộc Hrê ở xã An Trung (An Lão) cho biết: “Người đồng bào Hrê chúng tôi không ai là không biết đan gùi. Xưa, chúng tôi đan gùi chỉ là để cõng bắp, sắn từ nương về. Nhưng nay chúng tôi làm gùi để bán. Làm 3 ngày là xong 1 cái gùi kiếm được từ 250.000đ-300.000đ”.