Chân lý nghệ thuật là sự giản dị sâu sắc - hay đúng hơn là sự giản dị cố ý - rất xa lạ với việc giản dị vì nghèo nàn về tư duy sáng tạo, về trí tuệ dẫn người ta đến sự tầm thường, nhạt nhẽo. Romeo và Juliet của Nhà hát TNT là một tác phẩm sân khấu đích thực.
Người xem đắm mình trong tưởng tượng
Vậy mà khi màn mở, điều bất ngờ với tôi là sự giản dị của một sàn diễn gần như trống rỗng. Sàn diễn chính của nhà hát kịch chứa trong lòng nó một sàn diễn nhỏ gợi nhớ tới hình thức sân khấu dân gian châu Âu chỉ với một tấm màn che và vài bục gỗ vuông gọn nhẹ. Chính tấm màn che ấy khi được vén lên, mở ra cho thấy cảnh diễn của nhà Juliet, hay lễ cưới âm thầm của Romeo và Juliet trong nhà thờ... gợi cho người xem tưởng tượng sân khấu diễn thời Shakespeare và trước nữa là sân khấu của những nghệ sĩ hát rong lưu diễn tại bãi chợ, quảng trường thị trấn, xóm làng...
Cái sân khấu ấy cũng chính là sân khấu của Nhà hát TNT thời nay trên đường lưu diễn khắp thế giới và lần này dừng chân tại VN với vở diễn Romeo và Juliet. Chỉ với 8 diễn viên thể hiện tất cả các vai kịch.
Sự gọn nhẹ của trang trí kéo theo các xử lý khác như âm nhạc cũng rất gọn nhẹ, giản đơn; nhạc cụ, giai điệu, âm thanh rất cô đọng, nhuần nhị tiết kiệm. Có nhiều chỗ phần âm nhạc được diễn viên thể hiện dưới hình thức hợp xướng khá chuẩn và hay.
Kịch bản Romeo và Juliet của Shakespeare được bố cục 5 màn, rút gọn về cốt truyện, bố cục lại về hình thức không gian, thời gian, trở thành một kết cấu mới dễ tiếp cận.
Nghệ thuật ở đây đạt tới mức giản dị tối đa, tước bỏ tất cả những gì được cho là thừa. Âm nhạc, âm thanh, ánh sáng cô đọng không màu mè để người xem được tự do thoải mái đắm mình trong tưởng tượng qua diễn xuất chân thực – phải nói là rất thực – của các nghệ sĩ người Anh.
Điều lý thú ở đây là những người làm vở đã kết hợp phong cách tượng trưng ước lệ của sân khấu phương Đông với lối diễn cách điệu của hài kịch, mặt nạ Ý và phong cách tả thực của sân khấu châu Âu. Sự phối hợp Đông – Tây này khá nhuần nhuyễn nhờ diễn xuất rất chuyên nghiệp của diễn viên. Do vậy, Romeo và Juliet tạo được ấn tượng tốt. Điều này cũng dễ hiểu nếu ta biết được đạo diễn Paul Stebbings là người được đào tạo theo phương pháp Gro-Towski (Ba Lan). Ông thầy của Paul là người chịu nhiều ảnh hưởng của triết học và sân khấu phương Đông tiêu biểu, như các sân khấu Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia... Diễn xuất của họ, do vậy không xa lạ với khán giả VN vốn đã quen với ngôn ngữ tượng trưng, ước lệ của sân khấu dân tộc: chèo, tuồng.
Trở lại với sân khấu thời tác giả
Đã có nhiều cách dựng Romeo và Juliet thuộc đủ loại phong cách, nhiều lý giải khác nhau, nhiều thông điệp rất phong phú được gửi tới người xem các thế hệ, các thời đại nhưng với cách làm của Nhà hát TNT hôm nay, người xem thấy được mục tiêu muốn trở lại với cội nguồn sân khấu thời tác giả – sân khấu lưu động nên phải gọn nhẹ, dễ di chuyển trong điều kiện nay đây mai đó.
Tìm đến một ngôn ngữ giản dị mà sâu sắc không dễ dàng chút nào bởi chính cái giản dị hình thức và cái sâu sắc nội dung đã nâng ý nghĩa, làm tăng bội số của Romeo và Juliet lên một tầng cao nhân văn và hiện đại. Tính chất hiện đại của Romeo và Juliet phải tìm ở cách xây dựng các tính cách nhân vật và diễn xuất của diễn viên.
Nhân vật cha Laurence và Juliet rất gần với con người ngày nay qua tiết tấu hiện đại, sôi nổi, linh hoạt, nhanh nhạy trong cảm xúc và hành động. Nhịp sống của Juliet là nhịp sống của trí tuệ, trẻ trung, lôi cuốn và rất bình dị.
Nhân vật nhũ mẫu, Mercutio - bạn của Romeo, có cách thể hiện dân gian, gần với các nhân vật hài kịch mặt nạ có sự nhất quán về tính cách. Riêng Romeo lại phảng phất chất lãng mạn, bồng bột đầy nhiệt huyết của sân khấu lãng mạn như Ferdinand trong kịch Âm mưu và tình yêu của F. Schiller.
Người xem có quyền tự do của họ. Thích hay không thích là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều rút ra từ vở Romeo và Juliet là lâu nay khán giả chúng ta quá quen với cách diễn đạt rườm rà, dựa vào lời thoại mang nặng dấu ấn văn chương bay bổng, vào các hình thức cầu kỳ cho rằng đó mới là nghệ thuật mà quên mất chân lý nghệ thuật là sự giản dị sâu sắc – hay đúng hơn là sự giản dị cố ý – rất xa lạ với việc giản dị vì nghèo nàn về tư duy sáng tạo, về trí tuệ dẫn người ta đến sự tầm thường, nhạt nhẽo. Romeo và Juliet của Nhà hát TNT, khách quan mà nói, vẫn là một tác phẩm sân khấu đích thực.
Tối 5-5, Nhà hát TNT Vương quốc Anh phối hợp với Hiệp hội Sân khấu Mỹ (The American Drama Group Europe) và Công ty Lê Quý Dương đã công diễn ra mắt khán giả TPHCM tại rạp Công Nhân vở bi kịch Romeo và Juliet của đại thi hào W. Shakespeare.
Vở diễn còn tiếp tục diễn ra tại đây đến ngày 10-5, trước khi diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào ngày 13 và 14-5.