Răn dạy con, cháu về đức, hiếu, nghĩa

08:57, 25/11/2010

Hôm chúng tôi đến nhà ông Bàng Ứng Hải, Trưởng tộc họ Bàng, dân tộc Sán Dìu ở Quyết Tiến 2, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) được chứng kiến không khí đông vui, tấp nập như ngày hội. Gần 400 người, là con, cháu dòng họ Bàng dù ở xa hay gần, giàu nghèo, sang trọng hay bình thường đều tập trung về làm giỗ Tổ. Họ “lăn” vào bếp, tự tay mổ lợn, giết gà, làm cỗ trong không khí nhộn nhịp, vui vẻ. Với trẻ con thì đây là dịp để chúng được thỏa thích cùng nhau nô đùa, cùng chơi những trò chơi con trẻ...

Khi con, cháu của các chi từ nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… tề tựu đông đủ, một người trong dòng họ đứng ra tuyên bố các thủ tục cần thiết cho ngày giỗ Tổ. Ông Bàng Ứng Hải, Trưởng tộc họ Bàng bắt đầu nghi lễ. Ông dẫn giải gốc tích nguồn cội, nét độc đáo trong phong tục tập quán cũng như bản sắc gia phong của dòng họ Bàng dân tộc Sán Dìu. Qua đó, muốn răn dạy con, cháu về cái đức, hiếu, nghĩa với tổ tông, cha mẹ, vợ chồng, anh em. Sau lời của Trưởng tộc, đại diện các chi lên phát biểu để thông báo những công việc đã và chưa làm được của chi mình trong năm. Tiếp đó là phần hát đối (hát Soọng cô) để chúc ơn đức tổ tiên dòng họ của các cụ bà cao tuổi.

 

Gần 9 giờ sáng, trong trang phục chỉnh tề, tất cả các thành viên trong họ tộc bắt đầu rước lễ sang nhà thờ Tổ hành lễ. Chúng tôi cũng hòa vào đoàn rước của dòng họ Bàng để cảm nhận sự trang nghiêm cũng như cái không khí rộn ràng, phấn khởi cùng con, cháu họ Bàng trong ngày giỗ Tổ… Sau khi lên nhang, ông Trưởng tộc đồng thời là thủ nhang bắt đầu khấn bằng tiếng Sán Dìu nói về nội dung của ngày giỗ Tổ, báo cáo mâm cỗ có những thứ gì và mời các cụ về hưởng, xin phù hộ cho con, cháu sức khỏe, công việc, chăn nuôi, học hành… Hết 3 tuần nhang, thủ nhang lễ tạ, các con cháu bắt đầu trở lại nhà ông Trưởng tộc để hưởng lộc tổ tiên.

 

Cái sân rộng được làm rạp trông chẳng khác gì đám cưới; cỗ bàn bắt đầu được bê ra, mọi người quây quần bên nhau ăn uống vui vẻ. Tiếng cười đầy ắp một nhà. Những mái đầu xanh bên mái tóc bạc chụm lại nhỏ to, tâm tình thật ấm cúng… Uống hết chén rượu trong tay, anh Bàng Quảng Hữu, Chi Trại Cau, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hiện đang sinh sống và công tác tại tỉnh Sơn La thổ lộ với chúng tôi: “Ngày giỗ Tổ là dịp để bậc con, cháu chúng tôi tìm về cội nguồn, để biết trên, biết dưới, anh em, đồng thời để giúp đỡ nhau. Bản thân tôi, mặc dù bận công việc, đường xa nhưng năm nào đến ngày giỗ Tổ tôi cũng sắp xếp về đúng ngày để thắp hương cho các cụ. Tôi coi ngày giỗ Tổ là nơi neo đậu của tình ruột thịt…”

 

Trong niềm vui của cả dòng họ, sau khi mời chúng tôi chén rượu ngô, ông Trưởng tộc bắt đầu kể về ngày giỗ Tổ của dòng họ Bàng: “Theo gia phả thì Cụ tổ dòng họ Bàng là Cụ Bàng Kỳ Bình, sinh ra vào đầu thế kỷ 18 (đời thứ 4 của Cao tằng tổ khảo Bàng Quyền Minh) - Cụ là người có công gìn giữ cuốn gia phả, thông thạo các bài thuốc nam chữa bệnh cho đời được truyền lại cho các thế hệ sau và là người có nhiều chi nhánh nhất trong dòng tộc nên được dòng họ lấy ngày mất 1-10 âm lịch làm ngày giỗ. Theo phong tục của người Sán Dìu, họ chỉ làm sinh nhật cho người từ 60 tuổi trở lên, còn người đã mất sẽ không làm giỗ”. Nhưng đến đời của ông Bàng Ứng Hải - Trưởng tộc dòng họ Bàng (đời thứ 5 của Cụ tổ Bàng Kỳ Bình) đã làm thay đổi cả một phong tục từ ngàn xưa. Ông cho rằng: nếu tổ chức sinh nhật, khi người ta chết là hết. Còn làm giỗ sẽ là dịp để con, cháu gặp nhau gần như đông đủ nhất. Và không giống với người Kinh, đến ngày mất của ai thì làm giỗ vào ngày đó. Ngày giỗ của những người đã mất dòng họ Bàng được ông Bàng Ứng Hải gộp lại thành ngày giỗ chung ở tại gia đình Trưởng tộc, gọi là giỗ Tổ. Hàng năm, cứ đến ngày 1-10 âm lịch (ngày mất của Cụ tổ Bàng Kỳ Bình) các chi họ Bàng ở khắp mọi nơi lại cắt cử con, cháu về tụ họp tại nhà ông Trưởng tộc để làm giỗ.

 

Dòng họ Bàng hiện có trên 600 hộ (chỉ tính trên đầu đinh con trai); có 7 tên đệm (Đức, Quyền, Ứng, Quảng, Khánh, Kỳ, Tường) - Đức là đời thứ nhất và Tường là đời thứ 7. Cứ vậy dùng cho 7 đời, hết đời thứ 7 thì được quay lại. Ví dụ, cụ Bàng Tường Quý là đời thứ 7 của Cao tằng tổ khảo Bàng Quyền Minh, vậy con của Cụ Bàng Tường Quý phải là Bàng Đức Tiến, tiếp sau đó là Bàng Quyền Thắng, Bàng Ứng Hải, Bàng Quảng Trường, Bàng Khánh Huy… Chữ “Đức” được họ Bàng lấy làm đầu - Bởi trong cuốn gia phả có 2 câu đối: “Bàng gia tiên tổ đức cường thịnh. Tử tôn hưng vượng đại an khang” muốn răn dạy con cháu lấy nhân đức, phúc đức làm đạo lý gia giáo của dòng họ. Điều đặc biệt, vợ chồng không bao giờ chung một họ, cha con không đặt chung tên đệm…

 

Bàn tay của tuổi 81 nâng niu, nhẹ nhàng lật từng trang gia phả, ông Trưởng tộc họ Bàng bộc bạch: Đây là cuốn gia phả ngày xưa của dòng họ nhưng tất cả đều ghi chép bằng chữ Hán nôm, phát âm bằng tiến Sán Dìu. Tôi lo sau này con, cháu mình không hiểu, gốc tích bị mai một theo thời gian nên năm 1981, sau khi nghỉ hưu tôi bắt đầu công việc dịch và phiên âm sang chữ quốc ngữ để làm cuốn gia phả mới cho con, cháu dễ đọc, dễ hiểu. Nhờ cuốn gia phả này, con cháu tôi biết phân chia ngôi thứ, ranh giới, cấp bậc một cách tường tận… Đặc biệt, trong cuốn gia phả này, tôi đã tính chi tiết lịch tảo mộ trong ngày thanh minh cho các chi trong họ từ năm 1994 đến 2030 và họ đệm của những thế hệ sau…

 

Đã 20 năm (1990-2010), dòng họ Bàng duy trì được ngày giỗ Tổ. Đây là ngày để mọi người “tay bắt, mặt mừng”, để được “ngồi cùng một chiếu, quanh một mâm”. Và đây cũng là dịp để họ tộc giúp đỡ nhau, nương tựa vào nhau mà vươn lên, làm đẹp cho truyền thống của dòng họ. Dòng họ Bàng không thành lập Quỹ khuyến học mà trong ngày giỗ Tổ, ngoài những kết quả làm được trong một năm, đại diện cho các chi còn nói ra cái khó khăn của những gia đình trong chi mình cho cả họ biết để từ đó cùng nhau giúp đỡ. Qua đó, đã có nhiều con cháu trong dòng họ hiếu học được bao bọc, giúp đỡ thành tài; nhiều gia đình khó khăn được giúp đỡ tiền để nuôi con lợn, con gà, trồng cây ăn quả vươn lên thoát nghèo … Trong thời chiến, dòng họ Bàng có liệt sỹ, dũng sĩ vì đất nước. Trong thời bình, trai, gái họ Bàng có mặt trên các mặt trận, tích cực lao động, sản xuất, đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước nói chung và tô thắm thêm cho vườn hoa thành tích của dòng họ Bàng nói riêng. Đơn cử như: Anh Bàng Quảng Hữu (Sơn La) hiện cả 2 vợ chồng đều là Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, hai con của anh chị học giỏi, ngoan ngoãn. Hiện con đầu đang học tại trường Đại học Thương mại Hà Nội, con thứ hai đang học tại Trường Năng khiếu của tỉnh. Hay như ông Bàng Quảng Long, tỉnh Vĩnh Phúc mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực, cố gắng nuôi 7 người con học đại học… Trong phát triển kinh tế, nhiều người dòng họ Bàng đã biết áp dụng  khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 100 đến vài trăm triệu đồng/năm như: anh Bàng Quảng Tám (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) chăn nuôi lợn; anh Bàng Quảng Thanh (Đại Từ - Thái Nguyên) chăn nuôi nhím; anh Bàng Quảng Bẩy, anh Bàng Khánh Xìn (Lục ngạn - Bắc Giang) trồng vải thiều…

 

Thời gian như thoi đưa, chẳng mấy chốc chiều đã tàn, “kẻ ở, người đi”, bịn rịn khôn nguôi. Họ gửi cho nhau một chút quà của quê hương như gửi gắm tình nghĩa ruột thịt mong gặp lại trong ngày giỗ Tổ năm sau… Ngày giỗ Tổ họ Bàng là một nét đẹp văn hóa trong vô vàn nét đẹp văn hóa của người Việt cần được giữ gìn sự trong sáng của nó như giữ gìn tình máu mủ keo sơn của mỗi người, mỗi dòng tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.