Bia tiến sĩ được đưa vào danh sách Ký ức thế giới

09:43, 28/05/2011

Hệ thống Bia tiến sĩ của các triều đại Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) được dựng tại Văn Miếu đã chính thức được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

 

Theo UNESCO, hệ thống Bia tiến sĩ nằm trong số 45 tư liệu và các bộ sưu tập tư liệu mới, được Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova ngày 25/5 phê duyệt vào danh sách theo đề nghị của Ủy ban cố vấn quốc tế thuộc Ủy ban Ký ức Thế giới. UNESCO phát động Chương trình này năm 1992 nhằm phòng ngừa nguy cơ những di sản tư liệu vô giá của nhân loại bị rơi vào lãng quên, khuyến khích các nước sở hữu bảo quản tốt hơn và giúp quảng bá rộng rãi hơn giá trị của các di sản trên toàn cầu. Cho đến nay, 238 di sản tư liệu của các nước trên thế giới bao gồm các di sản bằng đá, chất dẻo, da động vật, băng audio đã được đưa vào Danh sách Ký ức Thế giới của UNESCO.

 

Bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám là các bia đá ghi tên những người đỗ Tiến sĩ các khoa thi thời Hậu Lê và thời Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Các bia đá này đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào ngày 9/3/2010, tại Macau, Trung Quốc. Sau Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục này.

 

 

Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long gồm 82 tấm bia đá, được dựng từ năm 1484-1780, khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442-1779.

 

Năm 1484, với chủ chương đề cao Nho học và tôn vinh bậc tri thức Nho học đỗ đại khoa, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng các tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho các khoa thi Đình các năm trước đó của nhà Hậu Lê, 7 bia đầu tiên, trong số 82 bia đã được dựng năm này.

 

Số lượng bia tiến sĩ được dựng vào thời đại nhà Lê sơ gồm 12 bia tiến sĩ đầu tiên, cho các khoa thi từ năm 1442-1514. Những người soạn nội dung văn bia đều là các danh nho bậc nhất đương thời của Đại Việt như các tiến sĩ: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Lê Ngạn Tuấn, Nguyễn Đôn Phục, Vũ Duệ...

 

Nhà Mạc do điều kiện đang tiến hành nội chiến với nhà Lê trung hưng, nên chỉ dựng được 2 bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, mặc dù tổ chức được khá nhiều kỳ thi tiến sĩ Nho học. Như vậy, trong suốt thời kỳ nhà Mạc nắm giữ kinh thành Thăng Long, với 22 khoa thi Đình được tổ chức, nhưng chỉ có duy nhất một khoa thi tiến sĩ nhà Mạc được dựng bia tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

 

 

Sang triều đại Lê trung hưng, sau khi chiếm lại được Thăng Long năm 1592, các kỳ thi Đình được tổ chức đều đặn hơn. Nhưng cũng phải đến năm 1653 (niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất), nhà Lê trung hưng mới tiến hành một đợt dựng bia tiến sĩ lớn nhất tại Văn Miếu Thăng Long với 25 bia tiến sĩ từ khoa thi năm 1554-1652. Sau đó, tới năm 1717 mới lại có đợt dựng bia lớn thứ 2 trong triều đại nhà Lê trung hưng, với 21 bia tiến sĩ cho các khoa thi từ năm 1656-1715. Với hai đợt dựng bia tiến sĩ lớn, sau đó là các lần dựng bia thường xuyên sau mỗi khoa thi (trung bình cứ 1 đến 4 năm sau mỗi khoa lại tiến hành dựng bia tiến sĩ cho khoa thi ngay trước đó, một số khoa dựng bia ngay trong năm thi Đình) cho tới bia tiến sĩ cuối cùng cho khoa thi năm 1779, nhà Lê trung hưng đã dựng 68/82 bia tiến .

 

Sang triều đại nhà Tây Sơn (không tổ chức thi tiến sĩ Nho học) và đặc biệt là nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân-Huế, Văn Miếu Thăng Long không còn là văn miếu quốc gia nữa nên các bia tiến sĩ không còn được dựng tại đây. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Thánh Miếu Huế từ khoa thi năm 1822.

 

 Trước các kỳ thi, rất đông sĩ tử đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu may.

 

Với 3 đợt dựng bia tiến sĩ lớn vào các năm 1484 (7 bia), 1653 (25 bia), 1717 (21 bia), xen kẽ 2 giai đoạn dựng bia tiến sĩ thường xuyên vào cuối các triều đại Lê sơ và Lê trung hưng, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (gồm: 13 bia khắc các khoa tiến sĩ triều đại nhà Lê sơ, 1 bia khắc khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Mạc, 68 bia khắc các khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Lê trung hưng) đề danh, thứ bậc và quê quán của 1.304 vị tiến sĩ Nho học.