“Tế Hanh mãi mãi hoa niên”

14:10, 12/06/2011

Kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh cố nhà thơ Tế Hanh (20/6/1921 - 20/6/2011), GS Hà Minh Đức vừa xuất bản tập sách “Tế Hanh mãi mãi hoa niên - Nghiên cứu trò chuyện và ghi chép về thơ Tế Hanh".  

 

Tôi thuộc bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh trước khi biết đến bài thơ “Quê hương” của ông. Cả hai cùng một mạch cảm xúc và với lứa tuổi của chúng tôi, con sông quê hương của Tế Hanh cũng là con sông quê hương của chúng tôi. Năm tháng qua đi, không còn phải học hành thi cử, lại không chuyên về lĩnh vực văn chương nên nhiều câu thơ của Tế Hanh cứ xa dần. Hôm nay, đọc “Tế Hanh mãi mãi hoa niên”, tên của những tập thơ của Tế Hanh, nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay của ông bỗng chốc ập về: “Ái lớn lên giữa trời xanh cát trắng, Da ngăm ngăm như một làn gió biển. Miệng cười tươi, mặt biển ánh trăng nghiêng”. Bài thơ này, anh bạn tôi, GS.TS Nguyễn Nhã Bản (Đại học Vinh) thời sinh viên thường ngâm trong mỗi dịp liên hoan. Tế Hanh có bài thơ tình Hàng Châu, sinh viên chúng tôi coi đấy là điển hình thành công về mặt tu từ. Và đọng nhất là câu thơ về Quảng Trị: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị. Ở tận chân trời mây núi có chia đâu”.

 

Đọc tập sách về Tế Hanh của Giáo sư Hà Minh Đức, cả một thời “hoa niên” của chúng tôi ập về. Tôi cảm ơn giáo sư đã để lên phần đầu tập sách những “Trò chuyện ghi chép về thơ Tế Hanh” giúp ích cho các lứa sinh viên khoa Văn và những người yêu văn, biết về một con người cụ thể của phong trào Thơ Mới, tuy không thật xuất sắc nhưng rất khỏe khoắn.

 

Tế Hanh tự nhận xét: "Thơ tôi được hình thành từ 3 yếu tố: tuổi trẻ, quê hương và tình yêu… Có lẽ quê hương là yếu tố thấm sâu vào tôi nhất". Qua thời “hoa niên”, Tế Hanh gia nhập hàng ngũ những nhà thơ cách mạng. Ông tự nhủ: phải làm sao kết hợp được lý trí và tình cảm, riêng và chung, niềm vui và nỗi buồn. Cứ thế, bằng lối kể chuyện rủ rỉ, ngắn gọn, GS. Hà Minh Đức phác họa cho người đọc chân dung “Tế Hanh - một tâm hồn thơ giàu cảm xúc” với những suy nghĩ về thơ, về cấu tứ, về chữ và nghĩa, về chất nhạc và họa trong thơ, cùng một số nhận xét của ông về thơ của bạn bè cùng trang lứa: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên...

 

Mở đầu phần II “Nghiên cứu thơ Tế Hanh” của cuốn sách là bài “Tế Hanh - một tâm hồn thơ giàu cảm xúc”. GS. Hà Minh Đức viết: “Nguồn cảm xúc đã đến trong thơ anh tự buổi ban đầu trong sáng và thiết tha. Cách mạng đến đã gạt đi phần ủy mị, yếu đuối của tâm hồn, đem đến cho thơ Tế Hanh những xúc động mới, những tâm tình mới. Hai mươi lăm năm cách mạng, mấy chặng đường thơ, cảm xúc trong thơ Tế Hanh vẫn giàu có, tươi trẻ, vẫn hồn nhiên, chân tình…”.

 

Vào cuối cuộc đời, Tế Hanh ngã bệnh, sống trong tình trạng hôn mê kéo dài ngót 10 năm. 12 giờ 20 phút ngày 16/7/2009, ông vĩnh biệt gia đình, bạn bè. Phần thứ III của cuốn sách, GS. Hà Minh Đức dành cho những bài viết về Tế Hanh của bạn bè ông, sau khi ông qua đời và kết thúc là những dòng hồi ức về ông, của bà Tế Hanh, nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của ông. Trong tang lễ ông, bạn bè đọc lại câu thơ của ông để vĩnh biệt:

 

“Thời gian như nước cuộn trôi

Không gian còn giữ mặt người thương yêu”.

 

Là một người yêu thơ Tế Hanh, khép lại tập sách “Tế Hanh mãi mãi hoa niên” của GS. Hà Minh Đức, tôi nhớ mãi hình ảnh ông, mà GS. Hà Minh Đức trong một bài viết đã phác họa: “Tế Hanh, người đi dạo như không cần đến đích…”.

 

Ở cõi vĩnh hằng, có lẽ ông tủm tỉm cười và ngâm ngợi: “Nghệ thuật và tình yêu đều tuyệt đối. Mỗi con người chỉ tương đối mà thôi”. Vâng - “Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu”, chúng tôi nhớ ông - Tế Hanh của những con sông quê hương./.