Hội thảo khoa học quốc tế: Văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam và Châu Á- bản sắc và giá trị được tổ chức trong hai ngày 29, 30/9 tại Nam Định
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chi hội Folklore Châu Á phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức.
Gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, Singapo, Lào và Vương quốc Anh, bao gồm các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà lãnh đạo đại diện chính quyền các cấp, các cơ quan văn hóa, truyền thông và đông đảo cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tham dự hội thảo.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà nghiên cứu, quản lý trong nước và quốc tế về văn hóa tín ngưỡng dân gian khu vực châu Á, với hơn 60 tham luận thuộc 15 chủ đề. Các tham luận đã tập trung giới thiệu nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển, đặc trưng và ý nghĩa của văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở châu Á và đặc biệt là ở Việt Nam.
Là một tín ngưỡng, tục thờ nữ thần (Mẫu) là thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân nông nghiệp châu Á; đồng thời là triết lý về tinh thần yêu nước, về sức mạnh, đạo lý của các dân tộc. Trên phương diện văn hoá, tục thờ nữ thần là bức tranh đa dạng, sinh động về nghệ thuật diễn xướng dân gian, phản ánh nhiều giá trị văn hóa đã được sáng tạo, tích tụ và trao truyền từ đời này sang đời khác, làm nên sức sống vĩnh cửu của các Nữ thần và của Mẫu.
Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định, nhằm tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu, Lên đồng và Chầu văn- di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam và thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phát biểu tại buổi lễ, giáo sư- tiến sỹ Ngô Đức Thịnh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam nhấn mạnh việc tổ chức hội thảo này càng có ý nghĩa hơn khi nhận thức của xã hội cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước đang có những đánh giá ngày càng xác thực hơn và có cái nhìn tích cực hơn về Đạo Mẫu.
Ông Jang, Jung- Yong- Chủ tịch hội Văn hóa dân gian Châu Á hy vọng rằng các vị đại biểu đại diện cho các quốc gia khác nên hiểu sâu sắc hơn giá trị văn hóa cũng như truyền thống thờ nữ thần của các nước trong khu vực Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây là cơ hội để các nước có thể quảng bá thêm về văn hóa thờ nữ thần của chính nước mình đến các nước bạn. Đây cũng chính là nền tảng để nền văn hóa các nước có thể tiến gần hơn với danh hiệu di sản phi vật thể thế giới.
Chia sẻ quan điểm về tục thờ nữ thần của chính đất nước mình- Hàn Quốc, ông Jang, Jung- Yong nói thêm: Việt Nam và Hàn Quốc đều có chung tục thờ nữ thần. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai nước chính là người dân Hàn Quốc chủ yếu thờ nữ thần Biển. Còn Việt Nam, nền văn hóa chủ yếu theo truyền thống lúa nước lâu đời, thế nên thường sẽ thờ những nữ thần có công bảo vệ mùa màng, đất đai tươi tốt, phục vụ cho nhu cầu cũng như cuộc sống của người dân.
Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ rằng mọi người nên so sánh phong tục thờ nữ thần ở Việt Nam với các nước Châu Á khác để có thể tìm thấy được nét nổi bật, đặc trưng nhất của văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam. "Tôi hy vọng, mọi người sẽ càng cảm thấy tự hào hơn nếu Việt Nam có phong tục, văn hóa thờ nữ thần đặc trưng mà các nước khác không có. Đây chính là tiền đề để văn hóa thờ nữ thần ở Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới"./.