Bộ phim truyền hình dài 50 tập về cuộc chiến 12 ngày đêm ở Hà Nội mang tên “Cao hơn bầu trời” là món quà mới nhất mà các nhà làm phim của Hãng phim Giải Phóng kết hợp với Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân dành cho khán giả màn ảnh nhỏ trong năm 2013. Bộ phim như một khúc ca bi tráng về cuộc chiến đấu của những người con Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời Thủ đô những ngày tháng 12-1972.
Phim do đạo diễn Nguyễn Xuân Cường thực hiện, dựa trên kịch bản của nhà văn, đại tá quân đội Nguyễn Minh Ngọc, có sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ như Quỳnh Nga, Hải Anh, Lâm Minh Thắng, Trang Nhung, Công Dũng, Trung Dũng…, bên cạnh nhiều gương mặt gạo cội như Trần Nhượng, Văn Báu, Bình Xuyên… Sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ này, theo như lời đạo diễn Xuân Cường, là để tăng sự trẻ trung và lãng mạn cho bộ phim thời chiến tranh.
Đạo diễn Nguyễn Xuân Cường cho biết, khi bắt tay vào làm, anh cũng khá hồi hộp, nhưng được sự giúp đỡ tận tình của phía Quân chủng Phòng không Không quân, cùng với nguồn tư liệu dồi dào, cho nên anh và các đồng nghiệp khá hào hứng.
Chuyện phim xoay quanh những người trẻ sinh sống ở Hà Nội những năm tháng đó, có người là lính không quân, ngày đêm chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, người làm nhà máy, bệnh viện, người làm phóng viên, cũng có người là bộ đội miền nam ra tập kết… Họ yêu nhau, sống và chiến đấu bên cạnh nhau, có những người hy sinh anh dũng, thân xác hòa vào bầu trời quê hương. Và cũng có những người ở lại, nuôi dưỡng và gìn giữ những ước mong của bạn bè, người yêu, đồng chí mình… Phim được xây dựng trên những sự kiện, tình tiết có thật, chỉ có nhân vật là hư cấu. Ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho biết, các nhân vật trong phim thể hiện những khoảnh khắc lịch sử, nhưng không cụ thể là nguyên mẫu nào ngoài đời thật: “Chúng tôi chỉ tái hiện những chiến công có thật trong các nhân vật của bộ phim”.
Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, đây là một bộ phim chính sử, nói về chiến tranh, nhưng không giống với những phim chiến tranh thông thường, mà lồng vào trong đó những mảnh đời thực. Những câu chuyện tình yêu lãng mạn, những tình huống hài hước, sinh động và thú vị sẽ được đan cài xen kẽ trong dòng chảy chính là cuộc chiến khốc liệt. Tình yêu đôi lứa, lòng yêu nước, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng cùng những lát cắt đời thường tạo nên một bức tranh bi tráng về Hà Nội những ngày cuối năm 1972. Hình ảnh những người người con của miền nam tập kết và chiến đấu ở miền bắc cũng được chú trọng khai thác.
Tác giả kịch bản, nhà văn, đại tá Nguyễn Minh Ngọc đã viết kịch bản “Cao hơn bầu trời” trong vòng 10 tháng rưỡi. Anh kể, phải tận dụng mọi lúc mọi nơi, thậm chí thức thâu đêm suốt sáng để viết. Những tư liệu đã có sẵn trong đầu anh, chính là những trải nghiệm của bản thân nhà văn về cuộc chiến 12 ngày đêm, với những con người thật sống quanh anh thời kỳ đó. Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Tôi trưởng thành từ Quân chủng Phòng không Không quân, sau này mới chuyển sang công tác khác, cho nên tôi coi kịch bản phim này như một món quà tri ân nơi mình đã đi lên”. Anh cũng cho biết, mặc dù giàu vốn sống về chiến tranh, nhưng vì thực sự chưa có kinh nghiệm xây dựng một kịch bản phim truyền hình cho nên cũng khá run.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cho biết, ban đầu phim dự định làm và phát sóng cuốn chiếu để lên hình đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18-12-1972 – 18-12-2012). Tuy nhiên, do yêu cầu của Đài truyền hình Việt Nam là phải hoàn thiện toàn bộ 50 tập phim mới bắt đầu phát sóng, cho nên nhà sản xuất quyết định lùi lại để chiếu vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân chủng Phòng không Không quân (22-10-1963 - 22-10-2013).
Ông Nguyễn Thái Hòa cho biết: “Vì quy mô và tính chất đặc biệt của bộ phim, cho nên hãng đã phối hợp chặt chẽ với bên Quân chủng Phòng không Không quân trong những cảnh quay có máy bay, đường băng và đại cảnh chiến đấu. Nhiều cảnh quay không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của bên quân đội”. Cuối tháng 11, hai tổ quay với hai máy quay được chuẩn bị sẵn để quay cảnh trên không, nhưng không thể thực hiện được vì trời mù sương, máy bay không thể cất cánh.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc thổ lộ: “Được tham gia bộ phim là mối duyên kỳ lạ với tôi, một người đã từng trải qua cuộc chiến khốc liệt. Rất may mắn là phim thực hiện vào lúc này, chứ để thêm một vài năm nữa thì muốn tìm một chiếc MIG 21 cũng khó”.
Được biết, bộ phim bấm máy từ đầu tháng 11, đến nay đã ghi hình được 10 tập và dựng xong 6 tập, dự kiến sẽ phát sóng bắt đầu từ tháng 8-2013.