Hàng năm, cứ sau Tết cổ truyền dân tộc, bà con các dân tộc vùng cao Võ Nhai lại rộn ràng chuẩn bị ăn Tết lại. Đến giờ các bậc cao niên, già làng cũng không nhớ nổi tục ăn Tết lại và câu đồng dao có từ khi nào, nhưng ăn Tết lại được mọi người tổ chức bao giờ cũng to và như ngày hội của làng.
Theo các tài liệu lịch sử về Tết được ghi chép lại, người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên. Và như vậy, có thể hiểu dó là Tết Gia tiên, hàm chứa ý nghĩa nội bộ gia đình, nội tộc. Sau Tết Gia tiên, trong tiết xuân, mọi người bắt đầu thăm hỏi giao lưu trong cộng đồng dân cư và hình thành tục ăn Tết lại. Những ngày đầu xuân, chúng tôi ngược về làng Đèn, làng Mọ đón Tết lại. Đồng chí Nguyễn Hữu Ưa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tràng Xá phấn khởi kể lại: “Xưa chưa có địa giới hành chính rõ ràng lắm, người dân chỉ ước chừng theo xứ đồng, dải nương, dãy núi, khe suối để chỉ các làng. Do dân cư phân bố thư thớt, điều kiện mấy ngày Tết Ta không thể đến thăm hỏi nhau được, nên chờ Tết lại mới đến thăm nhau”. Anh kể: Tết lại bắt đầu từ mồng 4 tháng Giêng ở làng Thâm, mồng 6-7 làng Đồng Mó, mồng 10 làng Vang (xã Liên Minh), mồng 8-9 làng Đèn, đình La Mọ (xã Tràng Xá), ngày 12 làng Phương bá, Thịnh Khánh (xã Dân Tiến), ngày 18 xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng).... đến 30 tháng Giêng ăn Tết lại làng Đồng Dã (xã Dân Tiến) là kết thúc chuỗi ăn Tết lại của đồng bào trong vùng và bắt tay vào công việc đồng áng.
Cũng rượu, cũng xôi đồ, thịt lợn, thịt gà, gói bánh chưng đình đám như Tết cổ truyền, nhưng mỗi nhà chỉ dọn một mâm cơm cúng tổ tiên, còn lại để khao làng, đón khách. Dạo quanh làng Đèn, làng Mọ, nhà nào cũng có vài mâm cỗ, nhà ít thì 4-5 mâm cỗ, nhà nhiều thì 10 mâm tươm tất. Bác Nông Minh Huấn, ở làng Đèn cho biết: “Làng có gần bốn chục hộ, nhưng nhà nào cũng ăn Tết lại. Mỗi nhà có mức độ chuẩn bị riêng, quy mô tùy thuộc vào lượng khách mời. Dịp này, các nhà mời những người bạn bè tri kỷ, họ hàng ở xa về giao lưu, thăm thân. Đây cũng là dịp ra mắt người thân để kết mối lương duyên, gia đình tụ họp căn dặn, chia sẻ tình cảm và rồi chia tay để mỗi người đi một nơi làm ăn, đi nghĩa vụ”.
Anh Nông Quang Nhã, người làng Vang (xã Liên Minh) chia sẻ: “Tết này gia đình tôi được đón thêm thông gia đến từ tỉnh Bắc Giang. Cách đây hai Tết Gia tiên tôi đã hẹn ước với người con gái bên Bắc Giang (nay là vợ tôi), nhưng theo phong tục và nền nếp gia đình, Tết Gia tiên, con gái không được phép rời nhà, và tối kỵ là đón Tết Gia tiên nhà khác, vì vậy chúng tôi chỉ có thể ra mắt họ hàng và bạn bè vào dịp ăn Tết lại. Nay thì đã về một nhà và ăn Tết lại là dịp thông gia gặp mặt và cũng là dịp nam thanh nữ tú giao lưu, tìm hiều để nên đôi lứa. Tục đón Tết lại trong làng rất vui, khách đến đầu làng là người nhà ra đón sẵn. Sau bữa cơm thân mật, khách có thể đi đến các nhà khác trong làng kết thân, giao lưu, tăng thêm sự gần gũi thân thiện”.
Ăn Tết lại mỗi làng chỉ tổ chức một ngày, nhưng cả gia chủ và khách đều có những niềm vui lắng đọng. Anh Nguyễn Hữu Ưa cho biết: Mỗi dịp ăn Tết lại, là dịp mọi người được chia sẻ, giao lưu. Sau ăn Tết lại là những lời hẹn hò và những lời căn dăn, lời hứa của người đi xã với những người ở lại. Riêng với Tràng Xá sau dịp ăn Tết lại có gần 200 lao động đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động và địa phương tiễn đưa 11 tân binh lên đường tòng quân. Chính vì vậy, ăn Tết lại là một phong tục văn hóa cổ truyền, có gí trị nhân văn cao, mang đậm nếp sống của người dân lao động nông thôn miền núi càn được lưu giữ.