Duyên nợ với cầm ca

14:27, 25/12/2014

Tiếng đàn Tranh, đàn Kìm, đàn Cò và ghi ta quyện thành bản hòa tấu đệm nhịp cho khúc ca cải lương cất lên, gieo vào lòng người sự đắm say cuộc sống. Tôi là một trong số những người bị lời hát của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cải lương Thái Nguyên mê hoặc tìm về. Một địa chỉ bấy lâu người ta bảo là điểm dành cho những người mê cải lương gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau về tâm tư, tình cảm.

Ngôi nhà số 7, tổ 1A, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) là địa chỉ ấy, thân thiết, gần gũi với những “đờn ca tài tử”. Từ gần 10 năm nay, chủ nhân của ngôi nhà là vợ chồng nghệ sĩ Trần Bình - Nguyễn Thị Thanh luôn mở rộng cửa đón bạn bè. Gặp nhau, bên ấm trà Tân Cương pha đúng độ nóng, thơm mùi cốm, nghệ sĩ Trần Văn Trầm lướt bàn tay hằn nếp thời gian nên phím đàn Chanh; Quang Hồng nắn nót trên phím đàn Ghi ta, nghệ sĩ Trần Bình gại giọng, bắt đầu cất lên những ca từ cải lương, nghe mê ly. Tận khi ấy tôi mới biết rằng, trên vùng đất Việt Bắc, giữa những giai điệu dân ca của đồng bào các dân tộc miền núi, còn có giai điệu cải lương của đồng bào Nam Bộ.

 

Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn) có Đoàn Cải lương. Diễn viên, nghệ sĩ đều người đất Bắc.

 

Nghệ sĩ Trần Bình kể: Ngày nhỏ, tôi bước chân vào nghiệp chèo (hát chèo), rồi phá ngang sang Đoàn Cải lương Bắc Thái. Cơ quan cho đi học tại chức Trung cấp cải lương, gặp Nguyễn Thị Thanh khi đó mới 14 tuổi, sau này nên vợ, thành chồng, hằng ngày cùng nhau tập vở, đi diễn, hạnh phúc như đôi chim nhỏ.

 

Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu là cả bài toán cơm, áo, gạo, tiền. Năm 1979, Đoàn Cải lương Bắc Thái giải thể, nghệ sĩ Trần Bình được điều động sang Đoàn Kịch nói Bắc Thái. Năm 2003, Đoàn Kịch nói giải thể, tỉnh cho sáp nhập 3 đơn vị: Kịch nói, ca múa nhạc và Đoàn chèo thành Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên. Theo nghiệp cầm ca, nghệ sĩ Trần Bình được điều động về Phòng Nghệ thuật Trung tâm văn hóa tỉnh. Liên tục luân chuyển, nghiệp cầm ca của người nghệ sĩ chẳng yên bình. Nhưng có thể nói: Nghệ sĩ Trần Bình là một người có tài năng về thanh nhạc, ngoài cải lương, anh hát chèo, hát văn và tân nhạc đều thành công. Anh hát không vì tiền, mà vì thích. Nên ở đâu, khi anh xuất hiện thì ở đó như có văn công.

 

Còn vợ anh, chị Nguyễn Thị Thanh, sau khi Đoàn Cải lương giải thể, chị được tổ chức bố trí đi học Trung cấp Thanh nhạc. Chị bảo: Tôi mê hát cải lương, nhưng vì cần có một nghề để sống, nên trong suốt những năm học thanh nhạc và nhiều năm sau, tôi không dám ca một câu vọng cổ, vì sợ khi biểu diễn sẽ bị pha trộn giữa ca mới và cải lương. Sau khi ra trường, tôi được điều động về làm công tác Đoàn của tỉnh, rồi được điều chuyển sang làm ở cung thiếu nhi. Thấy tôi làm biên đạo, luyện thanh nhạc và tổ chức một số chương trình cho các em nhỏ có ấn tượng, Sở Giáo dục - Đào tạo đã “xin” tôi sang phụ trách mảng công tác này. Vì cuộc sống riêng, năm 1992, tôi xin nghỉ theo Quyết định 176-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

 

Nghỉ việc Nhà nước, nhưng chị vẫn đi làm biên đạo chương trình văn nghệ cho các cơ quan, đơn vị, cứ được hát, được diễn là thấy vui. Cầm trong tay chén trà nóng, nghệ sĩ Trần Bình đỡ lời vợ: Gần 20 năm, chị Thanh không dám hát cải lương, vì sợ pha giọng. Còn tôi, cái nghiệp hát nó vận vào cuộc đời, nên “ca gì cũng chơi”.

 

Vợ chồng nghệ sĩ Trần Bình trò chuyện hợp nhau đến mức người ta bảo như tiếng đàn quyện vào lời ca. Năm 2005, nghệ sĩ Trần Bình đã đến từng nhà anh, chị em cán bộ, diễn viên của Đoàn Cải lương để vận động nhau vào CLB. Tính đến thời điểm đó, Đoàn Cải lương đã giải thể được hơn ¼ thế kỷ (26 năm), mọi người trong Đoàn đã tứ tán mưu sinh. Nhiều người tuổi cao, không ca cải lương nữa vì thấy giới trẻ thích tân nhạc. Nhưng Trần Bình kiên trì vận động, mời mọi người về nhà mình để trò chuyện, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Rồi, CLB cũng tập trung được 18 cặp kép, tối Chủ nhật hằng tuần gặp nhau tại nhà Trần Bình, cùng hát cho nhau nghe. Rất may, khi gặp lại nhau, tiếng đàn Tranh của nghệ sĩ Trần Văn Trầm và tiếng đàn Kìm của nghệ sĩ Phạm Văn Khải cùng một số giọng ca cải lương bấy nay ẩn dật lại bùng lên. Từng khúc ca trong các vở cải lương nổi tiếng một thời: “Đời cô Lựu”, “Nửa đời hương phấn”, “Tô Ánh Nguyệt”… được tái hiện lại qua diễn xuất của các hội viên CLB. Trần Bình bảo: Nghệ thuật cải lương nghiệt ngã lắm, có những buổi tối, tôi cùng vợ luyện một bài hát 10 lần chưa thấy đạt như ý, hôm sau động viên nhau luyện lại, luyện cho nhuyễn giọng...

 

Trần Bình nhìn vợ, 2 người ngừng giây lát như lấy hơi, rồi cùng cất lên câu hát cải lương. Tôi thấy thích thú vì đó là những bài hát cải lương do các thành viên CLB Cải lương tự sáng tác về quê hương Thái nguyên, như bài: “Chiến khu đất mẹ”, “Miền quê vẫy gọi”, “Hương vị đất trời chè Thái Nguyên quê tôi”. Ở tuổi 60, nhưng tôi thấy câu hát của vợ chồng người nghệ sĩ cải lương còn trẻ trung, bền thắm lắm.